NCKH.TRUONG Đánh giá tình trạng cung cấp vi chất dinh dưỡng qua chế độ ăn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
PDF Download: 1 View: 0

Tóm tắt

   Từ nhiều thập kỷ qua, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ có thai nói riêng và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nói chung đã được chứng minh là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng quan trọng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

    Trong quá trình phát triển, con người luôn cần một lượng nhỏ vi chất dinh dưỡng, đó là các vitamin (A,B,C,D,E,..) và nhóm các chất khoáng (canxi, phospho, sắt, kẽm, iod, selen,..). Đa số các chất này cơ thể không tự tổng hợp được, mà được cung cấp từ thực phẩm. Thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường và khoẻ mạnh của cơ thể. Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chứng minh, tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trước khi mang thai có ảnh hưởng tới tình trạng dinh dưỡng của con. Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống sống, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành.

    Đáng chú ý, những nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang ở mức cao, đáng báo động ở châu Phi cận Sahara và nghiêm trọng ở nhiều quốc gia ở Nam-Trung/Đông Nam Á. Tại Việt Nam, theo kết quả Tổng điểu tra Dinh dưỡng năm 2019-2020 được Viện Dinh dưỡng quốc gia và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ vẫn còn ở mức cao, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng (thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin B12, hoặc thiếu acid folic) là 16,2% ở phụ nữ tuổi sinh đẻ. Nghiên cứu trên 1526 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở 19 tỉnh của Việt Nam cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở độ tuổi sinh đẻ là 62,7%. Một đánh giá dữ liệu có hệ thống từ năm 2005 đến năm 2015 tại huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 10,2%. Kết quả điều tra tình trạng vi chất dinh dưỡng tiến hành ở 19 tỉnh thành cho thấy ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tỷ lệ thiếu folate là 2,7%.

    Loại thức ăn và lịch sử ăn uống là hai khía cạnh quan trọng để tìm hiểu một chế độ ăn uống, cho phép phân tích chi tiết các kết quả liên quan đến dinh dưỡng. Gần đây, bộ câu hỏi đánh giá chất lượng chế độ ăn (Diet Quality Questionnaire) (DQQ) được xây dựng dựa trên dữ liệu dinh dưỡng toàn cầu để thu thập các thông tin liên quan đến dinh dưỡng và phát triển các chỉ số nhằm đánh giá chế độ ăn. Một trong những chỉ số của DQQ là đa dạng dinh dưỡng tối thiểu cho phụ nữ độ tuổi sinh sản (Minimum Dietary Diversity for Women of Reproductive Age) (MDD-W), đây là một chỉ số đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng tổng thể thông qua chế độ ăn. Đáng chú ý, bộ câu hỏi này đã được chuẩn hóa và chứng minh có thể dùng ở Việt Nam.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là một vấn đề đáng quan tâm ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt những phụ nữ sống ở vùng nông thôn, họ thường chú trọng về số lượng trong các bữa ăn hơn chất lượng. Mặc dù hiện nay có nhiều nghiên cứu được thực hiện để đánh giá tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam, nhưng hầu hết các nghiên cứu tập trung vào một chất dinh dưỡng cụ thể và mối liên quan giữa chất lượng chế độ ăn và tình trạng cung cấp chất vi chất dinh dưỡng chưa được nghiên cứu. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đánh giá tình trạng cung cấp vi chất dinh dưỡng qua chế độ ăn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế” để từ đó có những kiến nghị kịp thời.

PDF Download: 1 View: 0