Tóm tắt
Glôcôm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Bệnh gây tổn thương thần kinh thị giác không hồi phục có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn. Năm 2014, nghiên cứu Tham YC và cộng sự ước tính tỷ lệ mắc bệnh glôcôm trên toàn cầu đối với dân số từ 40-80 tuổi là 3,54%. Tỷ lệ mắc glôcôm góc đóng nguyên phát cao nhất ở Châu Á. Năm 2013, số người (từ 40-80 tuổi) mắc bệnh glôcôm trên toàn thế giới ước tính là 64,3 triệu người, tăng lên 76 triệu vào năm 2020 và 111,8 triệu vào năm 2040 [34]. Ở Việt Nam theo điều tra tình hình mù lòa có thể phòng tránh được trên 16 tỉnh (2007), tỷ lệ mù hai mắt do bệnh glôcôm đứng thứ hai chiếm 6,5% với 24.800 người mù [8].
Do đặc điểm của người Việt Nam là nhãn cầu nhỏ, độ cong giác mạc nhỏ, tiền phòng nông và góc tiền phòng hẹp dễ gây nghẽn đồng tử nên hình thái glôcôm hay gặp ở nước ta là hình thái glôcôm góc đóng nguyên phát. Theo Đỗ Thị Thái Hà (2002) nghiên cứu trong 2.631 bệnh nhân thì glôcôm góc đóng nguyên phát chiếm tỷ lệ 79,8%; góc mở 20,2% [5].
Trong bệnh lý glôcôm góc đóng nguyên phát, nhãn áp tăng cao là một yếu tố quan trọng gây ra những tổn thương thực thể tại mắt dẫn đến mất chức năng thị giác không hồi phục.
Từ thế kỷ 19, phẫu thuật lỗ dò với nhiều cải tiến kỹ thuật khác nhau đã được tiến hành để điều trị bệnh glôcôm nhằm tăng cường dẫn lưu thủy dịch hạ nhãn áp. Năm 1968, Cairns J.E đề xuất phương pháp phẫu thuật cắt bè củng giác mạc (CGM) [17]. Tuy nhiên, trong phẫu thuật cắt bè CGM phẫu thuật viên phải cố gắng khâu vạt củng mạc vừa đủ lỏng để cho thủy dịch thoát ra làm hạ nhãn áp và vừa đủ chặt để ngăn chặn nhãn áp mềm, xẹp tiền phòng sớm sau mổ.
Một số tác giả trên thế giới đã nghiên cứu giải quyết vấn đề này bằng cách cải tiến kỹ thuật khâu đóng vạt củng mạc trong phẫu thuật cắt bè CGM bằng mũi chỉ rút. Kỹ thuật này cho phép phẫu thuật viên có thể đóng chặt vạt củng mạc để tái tạo tiền phòng tốt hơn. Khi vết khâu và tiền phòng đã ổn định, các mũi chỉ có thể dễ dàng được lấy đi với mục đích tăng từ từ quá trình lưu thông thủy dịch làm hạ nhãn áp và kích thích hình thành sẹo bọng. Người đầu tiên đưa ra kỹ thuật khâu chỉ rút là Shaffer và cộng sự vào năm 1971 [31]. Sau đó, năm 1988 Cohen và Osher đã cải tiến và công bố kỹ thuật khâu chỉ rút mở qua đường giác mạc trong phẫu thuật cắt bè [22]. Từ đó có rất nhiều tác giả đề xuất các kỹ thuật cải tiến khác nhau nhưng phải đến năm 1994 kỹ thuật này mới được Kolker và Kass hoàn thiện [23]. Năm 2021 nghiên cứu của Ahmad Sofi Ravees và cộng sự chỉ ra rằng cắt bè CGM bằng khâu chỉ rút là một kỹ thuật tốt hơn nhiều so với phẫu thuật cắt bè CGM thông thường, về kiểm soát nhãn áp các biến chứng sau phẫu thuật và hình thái sẹo bọng [28]. Năm 2006 nghiên cứu của Cát Vân Anh cho kết quả 100% các trường hợp sau rút chỉ có mức nhãn áp điều chỉnh. Tỷ lệ nhãn áp điều chỉnh được sau rút mũi chỉ đầu tiên trung bình 24,59% so với trước điều trị [2].
Ở nước ta, mới có một vài báo cáo về kỹ thuật khâu chỉ rút. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá kết quả của phẫu thuật cắt bè củng giác mạc bằng kỹ thuật khâu chỉ rút trong điều trị bệnh glôcôm góc đóng nguyên phát” với hai mục tiêu sau:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh glôcôm góc đóng nguyên phát
2. Đánh giá kết quả của phẫu thuật cắt bè củng giác mạc bằng kỹ thuật khâu chỉ rút trong điều trị bệnh glôcôm góc đóng nguyên phát và một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị