Tóm tắt
Bệnh thận mạn được định nghĩa là các bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của thận kéo dài trên 3 tháng do bất kỳ nguyên nhân nào dẫn tới những tác động về sức khỏe người bệnh [1]. Bệnh thận mạn ảnh hưởng đến >10% dân số nói chung trên toàn thế giới, lên tới >800 triệu người vào năm 2017 [2].
Bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối có nguy cơ bị các biến chứng có thể gây tử vong nếu không có các phương pháp thay thế thận bao gồm các phương pháp lọc máu (chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc) và ghép thận [3]. Trong đó ghép thận là phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối, nó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và mang lại lợi ích sống sót cao hơn so với các phương pháp thay thế thận khác [4].
Ngành ghép thận trên thế giới đã phát triển vượt bậc trong 70 năm qua. Kể từ khi ghép thận lần đầu tiên được thực hiện thành công bởi Tiến sĩ Joseph Murray vào năm 1954, nhiều nghiên cứu chỉ ra những người trải qua ghép thận thường có chất lượng cuộc sống tốt hơn và lợi ích sống sót dự kiến là hơn 10 năm so với những người tiếp tục lọc máu [5]. Ghép thận tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1992 và đến nay đã có 26 trung tâm ghép tạng trên khắp cả nước. Những tiến bộ trong quản lý ức chế miễn dịch đã dẫn đến giảm rõ rệt các đợt đào thải cấp tính sớm cũng như tỷ lệ sống sót sau 1 năm rất cao (>95%) [6], [7].
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng bệnh nhân sau ghép thận có chất lượng cuộc sống tốt hơn so với bệnh nhân vẫn đang phải lọc máu [8] [9]. Tuy nhiên, mức độ cải thiện này không đồng đều ở tất cả bệnh nhân mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh lý nền, hiệu quả kiểm soát miễn dịch, sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội, điều kiện kinh tế, tâm lý bệnh nhân... Do đó, việc đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép thận không chỉ giúp hiểu rõ hơn về thực trạng sức khỏe của họ mà còn có thể giúp xây dựng các chiến lược can thiệp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc.
Thực tế, có nhiều thang điểm khác nhau được các nhà lâm sàng sử dụng làm công cụ để đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép thận, trong đó, SF-36 (Short Form Health Survey-36) là một thang điểm được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì thang điểm này tương đối ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đánh giá, bao quát được cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất.
Tại Việt Nam nói chung và tại Huế nói riêng, số lượng nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép thận còn khá hạn chế, đặc biệt là những nghiên cứu sử dụng công cụ đánh giá chuẩn hóa.
Vì vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu đề tài: “ Nghiên cứu chất lượng cuộc sống theo thang điểm SF-36 và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân sau ghép thận” với 2 mục tiêu sau:
- Đánh giá chất lượng cuộc sống theo thang điểm SF-36 ở bệnh nhân sau 3 tháng trở lên được ghép thận tại Bệnh viện Trung Ương Huế.
- Khảo sát một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân sau ghép thận nói trên.