Tóm tắt
Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, tuổi bị mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Chẩn đoán bệnh tăng huyết áp khá đơn giản bằng phương pháp đo huyết áp tại phòng khám với chỉ số huyết áp tâm thu từ 140mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên [52]. Trên thế giới, số người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp từ 594 triệu người năm 1975, tăng lên 1,13 tỷ người năm 2015, dự kiến đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,5 tỷ người. Mức huyết áp cao có xu hướng chuyển dịch từ các nước thu nhập cao sang các nước thu nhập thấp và trung bình như ở Nam Á và châu Phi cận Sahara, trong khi mức huyết áp vẫn không ngừng tăng cao ở Trung và Đông Âu. Mục tiêu toàn cầu về giảm tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp là 25% vào năm 2025 [54]. Tại Việt Nam theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023, tỷ lệ tăng huyết áp tuổi từ 30-79 là 30%, trong đó 47% được điều trị, nhưng chỉ có 13% được kiểm soát, tương ứng 14,3 triệu người tăng huyết áp. Năm 2019 có 287.000 người tử vong do bệnh tim mạch, trong đó 60% có liên quan tăng huyết áp [10].
Béo phì hiện đang được xem là một đại dịch mới của thế kỉ 21 bởi sự gia tăng nhanh chóng cũng như những hệ lụy về sức khỏe và gánh nặng bệnh tật mà nó gây ra. Béo phì liên quan chặt chẽ với tình trạng kháng insulin và chỉ ra đây là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tình trạng đề kháng insulin, đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh lý như đái tháo đường típ 2, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, các biến cố tim mạch... và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Huyết áp luôn thay đổi theo chu kỳ ngày và đêm. Chính xác hơn, huyết áp luôn thay đổi theo hành vi hoạt động của con người. Lúc vận động huyết áp sẽ khác huyết áp lúc nghỉ. Sự sang chấn tâm lý hay thay đổi về tư thế cũng làm huyết áp thay đổi theo. Mặc khác, huyết áp còn thay đổi theo điều kiện môi trường như nhiệt độ, âm thanh..., nhịp sinh học giữa ngày và đêm của các chất nội tiết, hệ thần kinh và thể dịch như Noradrenaline, Adrenalin, hệ Renin-Angiotensin-Aldosterone [33]. Các nghiên cứu trên thế giới và trong nước ghi nhận sự thay đổi huyết áp không phù hợp với nhịp sinh học ngày và đêm sẽ làm tăng tỷ lệ các biến chứng trên cơ quan đích [13], [44]. Tuy nhiên để khảo sát được các chỉ số huyết áp trong cả ngày và đêm như là tỷ lệ có trũng và không có trũng huyết áp, vọt huyết áp sáng sớm, quá tải huyết áp... thì phương pháp đo huyết áp tại phòng khám không thể thực hiện được. Đo huyết áp lưu động 24 giờ (ABPM) hay là Holter huyết áp 24 giờ sẽ khắc phục được các khiếm khuyết của phương pháp đo huyết áp tại phòng khám.
Huyết áp lưu động 24 giờ có khá nhiều ưu điểm so với đo huyết áp tại phòng khám về mặt chẩn đoán, theo dõi kết quả điều trị cũng như tiên lượng được mức độ nguy cơ tổn thương cơ quan đích. Tuy nhiên, kỹ thuật này hiện nay chưa được xem trọng và được sử dụng rất hạn chế trong thực hành lâm sàng tại tỉnh Khánh Hòa, cũng như tại Việt Nam nói chung. Vì vậy, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu huyết áp lưu động 24 giờ ở bệnh nhân tăng huyết áp thừa cân - béo phì”, nhằm hai mục tiêu:
1. Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân tăng huyết áp thừa cân - béo phì tại Bệnh viện Vinmec Nha Trang, Khánh Hòa.
2. Tìm hiểu mối tương quan và liên quan giữa các thông số huyết áp 24 giờ với tổn thương trên cơ quan đích của đối tượng nghiên cứu.