SDH.CK2 Đánh giá kết quả điều trị đục thuỷ tinh thể chín trắng bằng phương pháp phaco đặt kính nội nhãn
PDF Download: 2 View: 4

Tóm tắt

Đục thể thủy tinh là một trong những nguyên nhân chính gây ra mù lòa và suy giảm thị lực trên toàn cầu [1]. Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (GBD) năm 2019, có khoảng 97,0 triệu người bị giảm thị lực trung bình đến nặng và 86,3 trên 100,000 dân bị mù do đục thể thủy tinh [2]. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, tỷ lệ mù toàn quốc chiếm 1,8% dân số. Trong các nguyên nhân gây mù được điều tra cho thấy đục thể thuỷ tinh chiếm tới 66,1% [3].

Đục thể thủy tinh chín trắng là giai đoạn tiến triển nặng của đục thể thủy tinh, xảy ra khi toàn bộ vùng vỏ từ bao đến nhân trở thành đục trắng. Hoàn cảnh kinh tế xã hội, trình độ hiểu biết còn hạn chế góp phần khiến bệnh nhân đến khám và điều trị khi thể thủy tinh đã trở nên đục chín trắng [4]. Tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhìn và gây ra những thách thức lớn trong quá trình phẫu thuật do không còn ánh hồng đồng tử, áp lực trong lòng bao thể thủy tinh cao, chất vỏ thể thủy tinh hóa lỏng và có thể gây ra nhiều biến chứng [5]. Phương pháp Phaco đặt kính nội nhãn đã trở thành tiêu chuẩn vàng trong điều trị đục thể thủy tinh nhờ những ưu điểm vượt trội như vết mổ nhỏ, thời gian phục hồi nhanh và kết quả thị lực tốt [6]. Tuy nhiên, đục thể thủy tinh chín trắng vẫn là một thách thức lớn do tăng nguy cơ biến chứng trong và sau mổ như vỡ bao sau, thoát dịch kính, phù giác mạc và viêm màng bồ đào [7], [8].

Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành để tìm hiểu các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị đục thể thủy tinh chín trắng bằng phương pháp Phaco đặt kính nội nhãn. Tác giả Chakrabarti đã chỉ ra rằng các đặc điểm như tuổi bệnh nhân, thời gian phẫu thuật, công suất siêu âm sử dụng và kỹ thuật mổ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả sau mổ [9]. Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng việc sử dụng chất nhầy có mật độ cao, kỹ thuật nhuộm bao trước và phương pháp Phaco chop có thể cải thiện đáng kể kết quả phẫu thuật trong các trường hợp đục thể thủy tinh chín trắng [10], [11], [12]. Bên cạnh đó, đánh giá tiền phẫu bằng các kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm, OCT tiền phòng và đo sinh học nhãn cầu đều có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong việc dự đoán khó khăn để có kế hoạch phẫu thuật phù hợp [13].

Nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân đục thể thủy tinh chín trắng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các yếu tố tiên lượng có giá trị dự báo cao đối với kết quả phẫu thuật. Thêm vào đó, việc đánh giá toàn diện kết quả điều trị bằng phương pháp Phaco đặt kính nội nhãn sẽ cung cấp cơ sở khoa học để tối ưu hóa quy trình phẫu thuật, cải thiện kết quả thị lực và giảm thiểu biến chứng sau mổ ở những bệnh nhân này.

          Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về phẫu thuật Phaco điều trị đục thể thủy tinh chín trắng được thực hiện trên thế giới và tại Việt Nam, tuy nhiên tại tỉnh Quảng Trị chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về vấn đề này. Do đó, việc bổ sung dữ liệu nghiên cứu tại địa phương nhằm đánh giá hiệu quả điều trị cũng như xác định các yếu tố tiên lượng phù hợp với đặc điểm bệnh nhân tại khu vực là thiết yếu. Kết quả từ nghiên cứu sẽ đóng góp quan trọng cho việc xây dựng hướng dẫn lâm sàng cụ thể và phù hợp với điều kiện tại địa phương. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng điều trị mà còn giúp giảm gánh nặng xã hội do đục thể thủy tinh gây ra thông qua việc cải thiện hiệu quả can thiệp và tối ưu hóa nguồn lực y tế sẵn có.

Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi nghiên cứu đề tài "Đánh giá kết quả điều trị đục thuỷ tinh thể chín trắng bằng phương pháp Phaco đặt kính nội nhãn" với 02 mục tiêu sau:

  1. Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân đục thể thuỷ tinh chín trắng.

2. Đánh giá kết quả điều trị đục thể thuỷ tinh chín trắng bằng phương pháp Phaco đặt kính nội nhãn.

PDF Download: 2 View: 4