SDH.NT NGHIÊN CỨU CÁC CHỈ SỐ SINH TRẮC NHÃN CẦU TRÊN MẮT CÓ TẬT KHÚC XẠ BẰNG AL-SCAN
PDF Download: 0 View: 0

Tóm tắt

Tật khúc xạ là một nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thị lực, nó trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở mọi lứa tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất 2,2 tỷ người bị suy giảm thị lực hoặc mù lòa, trong đó có gần 1 tỷ trường hợp là bệnh về tật khúc xạ và tỷ lệ mắc tật khúc xạ đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển [1].Việc hiểu rõ các yếu tố sinh trắc học nhãn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị và quản lý các tật khúc xạ này. Các chỉ số sinh trắc học như chiều dài trục nhãn cầu, độ sâu tiền phòng, độ dày thủy tinh thể và công suất giác mạc đã được chứng minh là có liên quan mật thiết đến tình trạng khúc xạ của mắt [5], [6]. Theo nghiên cứu của tác giả Võ Việt Hiền (2009) ở mắt người trưởng thành có tật khúc xạ tại Huế cho thấy tỷ lệ cận thị là 51,92%, viễn thị là 14,88% và loạn thị là 33,21%; chiều dài trục nhãn cầu, độ sâu tiền phòng và công suất khúc xạ giác mạc ở mắt cận thị lớn hơn ở mắt viễn thị. Công suất thể thủy tinh ở mắt cận thị là nhỏ hơn ở mắt viễn thị [7]. Trong nghiên cứu của tác giả Phạm Thái Sơn (2021), tỷ lệ cận thị đơn thuần và cận loạn chiếm 92,83%, viễn thị đơn thuần và viễn loạn chiếm 7,17%. Độ cận thị tương quan thuận mức độ yếu với độ sâu tiền phòng và độ dày giác mạc, rất chặt chẽ với chiều dài trục nhãn cầu [8].Từ trước đến nay, người ta đã dùng rất nhiều phương tiện phổ biến đo lường các chỉ số sinh trắc nhãn cầu bao gồm siêu âm nhúng, siêu âm A-scan, và AL-Scan. Các phương pháp đo sinh trắc truyền thống như siêu âm A-scan hay siêu âm nhúng dù đã được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Siêu âm A-scan yêu cầu tiếp xúc trực tiếp với giác mạc, dễ gây biến dạng cấu trúc mắt và phụ thuộc lớn vào kỹ năng của kỹ thuật viên. Trong khi đó, siêu âm nhúng tuy giảm được áp lực
lên giác mạc nhưng vẫn phải tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt nhãn cầu, gây bất tiện cho bệnh nhân và đòi hỏi trang thiết bị phức tạp [9].
Trước bối cảnh đó, AL-Scan – thiết bị đo sinh trắc học nhãn cầu dựa trên công nghệ giao thoa kế bán phần và Scheimpflug đã ra đời như một giải pháp đột phá. AL-Scan không chỉ khắc phục được nhược điểm của các phương pháp truyền thống mà còn mang lại nhiều ưu điểm vượt trội: không tiếp xúc, đo đa thông số chỉ trong 5–10 giây, và độ chính xác lên đến ±0.01 mm [10]. Gần đây, nghiên cứu của
Ali Ender Kulak và cộng sự (2024) tiếp tục đánh giá hiệu quả của AL-Scan trên 150 mắt đã phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng thiết bị Nidek AL-Scan. Kết quả ghi nhận sai số trung bình thấp và độ lặp lại cao, phù hợp với tiêu chuẩn sinh trắc học trong các trường hợp phức tạp [12]. Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam ứng dụng của AL-Scan trong nghiên cứu tật khúc xạ vẫn còn hạn chế và hiện tại chưa có đề tài nghiên cứu nào về tật khúc xạ được công bố. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu các chỉ số sinh trắc nhãn cầu trên mắt có tật khúc xạ bằng AL-Scan” nhằm mục tiêu:
1. Xác định các chỉ số sinh trắc nhãn cầu trên mắt có tật khúc xạ bằng AL-Scan.
2. Khảo sát mối liên quan giữa các chỉ số sinh trắc nhãn cầu với hình thái tật khúc xạ. 

PDF Download: 0 View: 0