SDH.CH Đánh giá sự tương đồng giữa kháng thể IgM, IgG kháng Fasciola sp và biểu hiện lâm sàng, đáp ứng điều trị của bệnh nhân nghi nhiễm sán lá gan lớn
PDF Download: 0 View: 0

Tóm tắt

Bệnh sán lá gan lớn là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây nên những tổn thương, những ổ áp xe tại gan hoặc một số cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ. Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau muống, rau cần, rau rút, ngó sen, cải xoong,…hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sán lá gan lớn là một căn bệnh toàn cầu, không có lục địa nào không có bệnh sán lá gan lớn và có khả năng là nơi các ca bệnh ở động vật được báo cáo thì cũng có các ca bệnh ở người. Hiện nay, bệnh sán lá gan lớn là bệnh sán lá phân bố rộng rãi nhất, được báo cáo ở người tại hơn 81 quốc gia trên toàn thế giới. Tỷ lệ người đã bị nhiễm Fasciola spp. trên toàn cầu ước tính từ 2,4 đến 17 triệu người.

Tại Việt Nam, cho đến nay, bệnh được phát hiện ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong giai đoạn 1995–2019, tổng cộng có 53.109 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sán lá gan lớn ở 63 tỉnh thành trên cả nước.

Bệnh sán lá gan lớn thường có diễn tiến âm thầm, với các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, đau vùng hạ sườn phải, mệt mỏi, tăng bạch cầu ái toan, nổi mẩn ngứa trên da. Những biểu hiện này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm gan, áp xe gan, viêm đường mật hoặc các bệnh lý dị ứng, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán và điều trị sớm. Tại Việt Nam, hướng dẫn chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn gần nhất của Bộ Y Tế năm 2022 khuyến nghị sử dụng kết hợp yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng, bao gồm: công thức máu, siêu âm, xét nghiệm phân tìm trứng sán lá gan và huyết thanh học. Tuy nhiên, xét nghiệm phân có độ nhạy thấp, đặc biệt ở giai đoạn cấp tính do ấu trùng chưa vào đường mật để thải trứng. Trong khi đó, huyết thanh học – đặc biệt là định lượng IgM và IgG đặc hiệu – được chứng minh có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn. Huyết thanh học tìm kháng thể IgG kháng Fasciola spp là một xét nghiệm quan trọng, tuy vậy kháng thể IgG có thể tồn tại ít nhất 4-5 tháng hoặc có thể là vài năm sau khi điều trị thành công.  Kháng thể IgM thường xuất hiện sớm trong giai đoạn cấp tính nhưng có thể biến mất trong giai đoạn mạn tính, còn IgG xuất hiện muộn hơn nhưng tồn tại lâu sau điều trị. Việc kết hợp đánh giá nồng độ IgM, IgG giúp phân biệt giai đoạn bệnh, hỗ trợ theo dõi đáp ứng điều trị. Hiện nay ở Việt Nam vẫn còn thiếu các nghiên cứu thực tiễn có hệ thống đánh giá mối liên hệ giữa kháng thể IgM, IgG với biểu hiện lâm sàng và đáp ứng điều trị của bệnh nhân nghi nhiễm sán lá gan lớn. Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài “Đánh giá sự tương đồng giữa kháng thể IgM, IgG kháng Fasciola sp và biểu hiện lâm sàng, đáp ứng điều trị của bệnh nhân nghi nhiễm sán lá gan lớn” nhằm hai mục tiêu sau:

  1. Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đáp ứng điều trị của bệnh nhân nghi nhiễm sán lá gan lớn tại Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế.
  2. Đánh giá sự tương đồng giữa kháng thể IgM, IgG kháng Fasciola spp.
PDF Download: 0 View: 0