Tóm tắt
Sức khỏe tâm thần là một trạng thái hạnh phúc tinh thần rất quan trọng đối với sự phát triển cá nhân, cộng đồng và kinh tế xã hội, cho phép mọi người đối phó với những căng thẳng của cuộc sống, nhận ra khả năng của họ, học tập tốt và làm việc tốt, đóng góp cho cộng đồng và xã hội [57]. Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2019, cứ 8 người thì có 1 người, tương đương với 970 triệu người trên thế giới đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm phổ biến nhất [23].
Rối loạn lo âu là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, năm 2019 có 301 triệu người mắc rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu lan tỏa được đặc trưng bởi lo lắng tái diễn và dai dẳng [1]. Những người mắc rối loạn lo âu lan tỏa cảm thấy như chờ đợi một điều không may xảy ra, nội dung lo âu đa dạng như tiền bạc, sức khỏe, gia đình, công việc hoặc nhiều vấn đề khác và cảm thấy khó kiểm soát sự lo lắng của họ ngay cả khi không có lý do rõ ràng để lo lắng [12]. Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ, có những bằng chứng cho thấy các yếu tố sinh học, nền tảng gia đình và kinh nghiệm sống, đặc biệt những sang chấn tâm lý đóng một vai trò trong nguyên nhân gây nên rối loạn lo âu lan tỏa [12]. Theo nghiên cứu của Showraki và cộng sự (2020), rối loạn lo âu lan tỏa được phát hiện là có tính chất gia đình và di truyền [50]. Theo nghiên cứu của Hettema (2001) các yếu tố gắn kết gia đình có ảnh hưởng đến rối loạn lo âu lan tỏa và di truyền chỉ đóng một vai trò nhỏ [27], cho thấy rằng ảnh hưởng của môi trường trong gia đình ví dụ như sự gắn kết gia đình, động lực gia đình,… có thể liên quan đến nguyên nhân của rối loạn lo âu lan tỏa [36]. Khi lo âu diễn ra cả ngày, kéo dài mỗi ngày có thể làm gián đoạn các hoạt động xã hội, ảnh hưởng đến công việc, trường học, gia đình, các mối quan hệ và cảm giác hạnh phúc chung của bệnh nhân. Những người mắc rối loạn lo âu lan tỏa thường cảm thấy rằng chứng lo âu mạn tính có ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với bạn đời và những người quan trọng khác [12]. Một nghiên cứu của Xin-Qiao Liu và cộng sự (2023) cũng nêu ra các yếu tố nguy cơ đối với rối loạn lo âu của sinh viên đại học, trong đó gia đình có một sự ảnh hưởng nhất định bao gồm phong cách nuôi dạy con cái, mối quan hệ gia đình, chức năng gia đình. Gia đình đại diện cho môi trường trực tiếp mà một cá thể sống và phát triển, tác động sâu sắc đến sự phát triển của một người. Có thể thấy rằng, gia đình có sự liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tâm thần của cá nhân [32]. Bạo lực gia đình có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, tức giận và lo lắng ở trẻ em, khiến trẻ nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc [16] và trong nghiên cứu khác của Luvira và cộng sự (2023) cũng cho một kết quả tương tự là các học sinh bị bạo lực gia đình đều có vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, trong đó việc thất bại giao tiếp trong gia đình và bạo lực gia đình có ảnh hưởng lớn nhất đến mức độ nghiêm trọng của vấn đề, và có xu hướng thiếu sự hỗ trợ từ gia đình [33]. Và có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến gia đình, khả năng của gia đình để cung cấp, hỗ trợ tinh thần cho các thành viên trong gia đình bao gồm: Chất lượng mối quan hệ gia đình; giao tiếp gia đình; sự chia sẻ kinh nghiệm, sở thích và hoạt động; cấu trúc gia đình; căng thẳng gia đình; phong cách nuôi dạy con cái; sống gần gia đình;…[51]
Ở Việt Nam, nghiên cứu về bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần thường sẽ tập trung vào từng cá nhân bệnh riêng lẻ mà thường ít nhắc đến sự liên quan, ảnh hưởng của gia đình. Cho đến nay, vẫn còn ít nghiên cứu về mối quan hệ gia đình và sự thích ứng của gia đình ở bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần. Chính vì vậy, để tìm hiểu về sự gắn kết và mối quan hệ gia đình, sự thích ứng gia đình ở bệnh nhân mắc rối loạn lo âu lan tỏa chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu sự gắn kết và khả năng thích ứng gia đình ở bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa” với 2 mục tiêu:
- Đánh giá sự gắn kết và khả năng thích ứng gia đình ở bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan toả và người chăm sóc.
- Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến sự gắn kết và khả năng thích ứng gia đình ở bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa.