Tóm tắt
Tắc tĩnh mạch võng mạc lần đầu tiên được mô tả trên lâm sàng bởi tình trạng huyết khối tĩnh mạch, ghi nhận bởi tác giả Julius Von Michel vào năm 1878. Cho đến gần đây, tắc tĩnh mạch võng mạc đã trở thành bệnh lý mạch máu võng mạc phổ biến thứ hai chỉ sau bệnh võng mạc đái tháo đường và ảnh hưởng đến khoảng hơn 16,4 triệu người trên toàn thế giới. Trước đây, việc chẩn đoán tắc tĩnh mạch võng mạc chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và bằng các phương pháp chụp đáy mắt, chụp cắt lớp cố kết quang học võng mạc cũng như chụp mạch huỳnh quang. Chụp cắt lớp cố kết quang học mạch máu võng mạc là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn mới được công bố từ năm 2014. Ưu điểm của phương pháp chụp cắt lớp cố kết quang học mạch máu võng mạc giúp phát hiện sớm những thay đổi của mao mạch võng mạc và vùng vô mạch trung tâm sớm hơn các phương pháp khác, ngoài ra đây là phương pháp khám nghiệm không xâm lấn, chính vì vậy có thể thực hiện trên những bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng thuốc huỳnh quang (fluorescein, indocyanine). Kết quả của chụp cắt lớp cố kết quang học mạch máu võng mạc sẽ giúp chẩn đoán sớm, theo dõi tiến triển bệnh cũng như điều trị cho bệnh nhân tắc tĩnh mạch võng mạc.
Ở Việt Nam chụp cắt lớp cố kết quang học mạch máu võng mạc là phương pháp mới được áp dụng rộng rãi gần đây và cũng đưa ra nhiều kết quả có ý nghĩa nhất định. Theo Đỗ Thị Thái Hà (2018), trong bệnh lý hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, OCT - A giúp xác định lỗ rò chính xác hơn, cũng như xác định tân mạch hắc mạc. Hiện nay, tại Huế chưa có nghiên cứu đánh giá phương pháp chụp cắt lớp cố kết quang học mạch máu võng mạc đối với các đặc điểm tổn thương của bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Khảo sát sự biến đổi đáy mắt bằng OCT – A trên bệnh nhân tắc tĩnh mạch võng mạc" với hai mục tiêu sau:
- Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân tắc tĩnh mạch võng mạc.
- Khảo sát sự biến đổi đáy mắt bằng OCT – A trên bệnh nhân tắc tĩnh mạch võng mạc và một số yếu tố liên quan.