SDH.CH Đánh giá hiệu quả hệ thống hút áp lực âm tưới rửa liên tục trong điều trị tại chỗ vết thương phần mềm nhiễm khuẩn
PDF Download: 3 View: 86

Tóm tắt

1. Tính cấp thiết của đề tài:

Vết thương phần mềm nhiễm khuẩn là một vấn đề nghiêm trọng, là gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe do thời gian nằm viện kéo dài, chi phi điều trị cao, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống bệnh nhân. Việc chăm sóc, chuẩn bị nền vết thương, tiến đến phẫu thuật tạo hình che phủ, làm lành thương vẫn còn là khó khăn và thách thức đối với các bác sĩ ngoại khoa nói chung và phẫu thuật viên tạo hình nói riêng.

Hiện nay có nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị các vết thương phần mềm nhiễm khuẩn như thay băng bằng các thuốc kháng khuẩn, các loại băng gạc tiên tiến, liệu pháp oxy cao áp, yếu tố tăng trưởng biểu mô, huyết tương tươi giàu tiểu cầu, hệ thống hút áp lực âm (vacuum assisted closure-VAC)…góp phần thúc đẩy quá trình liền vết thương.

Trong các phương pháp này thì hệ thống hút áp lực âm là một phương pháp giúp đóng vết thương ít xâm nhập, an toàn, có tác dụng thúc đẩy quá trình liền vết thương phần mềm bởi duy trì môi trường ẩm, loại bỏ dịch tiết, tổ chức hoại tử, làm giảm số lượng vi khuẩn, tăng tưới máu tại chỗ, kích thích hình thành mô hạt, giúp vết thương thu nhỏ dần hoặc che phủ tạm thời trong các trường hợp tổn thương mô mềm nhiều không thể che phủ kỳ đầu trong phẫu thuật cấp cứu, nhờ đó vết thương được làm sạch, làm đầy tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đóng kín vết thương sau này. VAC đã được áp dụng rộng rãi tại các trung tâm điều trị vết thương và đã được chứng minh là có hiệu quả tốt trong điều trị vết thương. Đối với các vết thương phần mềm nhiễm khuẩn thì ngoài hệ thống VAC truyền thống như vừa đề cập, còn có hệ thống VAC kết hợp với tưới rửa, hệ thống này giúp vết thương được tưới rửa liên tục, giúp giảm nồng độ vi khuẩn ở nền vết thương, góp phần vào quá trình điều trị nhiễm khuẩn tại chỗ.

Tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế thời gian vừa qua đã áp dụng hệ thống hút áp lực âm kết hợp tưới rửa trong điều trị tại chỗ vết thương phần mềm nhiễm khuẩn và bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Để đánh giá một cách có hệ thống và đầy đủ hiệu quả của phương pháp, chúng tối tiến hành đề tài: “Đánh giá hiệu quả hệ thống hút áp lực âm tưới rửa liên tục trong điều trị tại chỗ vết thương phần mềm nhiễm khuẩn”.

 

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước:

Năm 1993 Fleischmann W. và cộng sự lần đầu tiên mô tả điều trị vết thương bằng liệu pháp VAC sau điều trị thành công cho 15 bệnh nhân gãy xương hở.

Năm 1995, Hãng KCI (Kinetic Concepts Inc) ở Mỹ thiết kế và chế tạo thành công thiết bị điều trị theo liệu pháp VAC với tên gọi VAC®.

Năm 1996 hệ thống hút áp lực âm được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận và trở nên phổ biến, được sử dụng để điều trị cho nhiều loại vết thương.

Năm 1997 Argenta và Morykwas đã công bố kết điều trị 300 vết thương do nhiều nguyên nhân bằng liệu pháp VAC cho thấy VAC làm tăng tỷ lệ hình thành mô hạt, làm giảm kích thước vết thương.

Một nghiên cứu vào năm 2023 tại Trung Quốc do Lin Feng và cộng sự thực hiện đã chỉ ra rằng hiệu quả của VAC tưới rửa so với VAC truyền thống trong việc giảm cả về nồng độ lẫn độc lực của vi khuẩn tụ cầu vàng tại nền vết thương.

Ở nước ta, từ năm 2000 tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình- Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Trung Ương Huế đã ứng dụng hút áp lực âm để điều trị hàng trăm vết thương phần mềm khó lành với kết quả tốt.

Từ cuối năm 2006, tại Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108, đã triển khai VAC trong điều trị vết thương phức tạp ở chi thể, thân mình trên 58 bệnh nhân và đạt được kết quả tốt ở tất cả các trường hợp.

Từ năm 2009, tại khoa Bỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng VAC để điều trị cho 30 trường hợp vết thương phần mềm, kết quả có 83,33% trường hợp cải thiện rõ rệt dịch tiết tại vết thương, nền vết thương, thu nhỏ diện tích vết thương.

Nghiên cứu năm 2022 tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do Bùi Thị Kim Nhung và đồng nghiệp thực hiện cho thấy hiệu quả của VAC đến việc mọc tổ chức hạt và giảm độ nặng của vết thương.

Hiện trong nước chưa thấy công bố một nghiên cứu nào liên quan đến hiệu quả của hệ thống VAC tưới rửa mà chỉ là những nghiên cứu về VAC truyền thống.

 

 

3. Mục tiêu nghiên cứu:

Có 2 mục tiêu:

1.     Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, vi khuẩn học của vết thương phần mềm nhiễm khuẩn.

2.     Đánh giá hiệu quả hệ thống hút áp lực âm tưới rửa liên tục trong điều trị tại chỗ vết thương phần mềm nhiễm khuẩn.

 

4. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Tất cả bệnh nhân có vết thương phần mềm nhiễm khuẩn được điều trị hỗ trợ bằng hệ thống hút áp lực âm tưới rửa liên tục tại Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình lồng ngực, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế từ tháng 3/2024 đến tháng 6/2025.

4.1.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân

- Những bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên.

- Những bệnh nhân có vết thương phần mềm nhiễm khuẩn đã được cắt lọc ngoại khoa, còn hốc sâu, nhiều dịch tiết.

4.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

- Những vết thương phần mềm có chống chỉ định làm VAC:

+ Những vết thương ác tính, vết thương đang chảy máu.

+ Viêm xương tủy xương không được điều trị.

+ Vết thương bộc lộ mạch máu, mảnh ghép mạch máu, thần kinh, lộ khớp hở.

+ Những vết thương có lỗ dò thông với các khoang cơ thể.

+ Những vết thương với gãy xương không vững.

- Những bệnh nhân không phối hợp điều trị, không đồng ý tham gia vào nghiên cứu, bệnh nhân rối loạn tâm thần.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu tiến cứu, theo dõi dọc, không đối chứng.

5.  Nội dung nghiên cứu (Mô tả chi tiết những nội dung nghiên cứu của đề tài)

Mô tả nội dung và các biến số nghiên cứu:

Đặc điểm chung

- Tuổi: được tính từ năm sinh của bệnh nhân đến năm tiến hành nghiên cứu. Phân chia tuổi thành 4 nhóm như sau: ≤ 20 tuổi; 21- 40 tuổi; 41- 60 tuổi; ≥ 61 tuổi.

- Giới: được chia thành 2 giới gồm nam và nữ.

- Nghề nghiệp: được chia thành 5 nhóm gồm nông dân, công nhân, cán bộ, lao động tự do, hưu trí.

Đặc điểm lâm sàng

- Nguyên nhân gây ra vết thương phần mềm nhiễm khuẩn

- Vị trí của vết thương phần mềm nhiễm khuẩn

- Đặc điểm của vết thương phần mềm nhiễm khuẩn trước làm VAC tưới rửa:

+ Hình thức thương tổn

+ Diện tích vết thương: Đo diện tích vết thương trước làm VAC tưới rửa bằng cách dùng giấy bóng kính có các ô vuông có diện tích 1cm2, đếm số lượng các ô để xác định diện tích vết thương. Tính diện tích vết thương trung bình.

+ Tính chất tổ chức tại giường vết thương phần mềm nhiễm khuẩn

·             Tổ chức hoại tử

·             Tổ chức mô hạt

+ Tính chất dịch tại giường vết thương phần mềm nhiễm khuẩn

·            Dịch mủ: Dịch màu trắng đục hoặc socola, mùi hôi thối.

·            Thanh dịch: Dịch màu vàng hoặc hồng nhạt.

Đặc điểm vi khuẩn học

Tiến hành cấy định danh vi khuẩn tại vết thương trước khi làm VAC và sau mỗi lần mở VAC

Theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị tại chỗ của liệu pháp VAC tưới rửa

- Chế độ và áp lực hút: áp lực hút từ -70 đến -125 mmHg.

- Dung dịch tưới rửa được sử dụng: gồm có dung dịch Dakin và NaCl 0,9%

- Thể tích dung dịch tưới rửa được sử dụng.

- Thời gian thay VAC: sau mổi 5 đến 7 ngày chúng tôi tiến hành mở VAC để kiểm tra, đánh giá vết thương. Nếu vết thương còn chỉ định VAC thì chúng tôi tiến hành thay VAC tại phòng mổ.

- Tiêu chuẩn ngưng làm VAC: sau mỗi lần thay VAC, chúng tôi đánh giá vết thương dựa vào các tiêu chí về tổ chức mô hạt, tổ chức hoại tử, tính chất dịch tại giường vết thương. Ngưng làm VAC khi giường vết thương có tổ chức mô hạt lên tốt ngang mức của da hoặc đã che phủ được các tổ chức quan trọng (gân, xương), không còn tổ chức hoại tử, dịch tại giường vết thương là thanh dịch; những trường hợp vết thương không có mô hạt sau 2 lần làm VAC hoặc sau 3 lần làm VAC mà vết thương vẩn còn lộ gân, xương, còn tổ chức hoại tử, tiết dịch mủ.

- Số lần làm VAC: là số lần thay miếng xốp trong thời gian điều trị.

- Thời gian làm VAC trung bình: tính theo đơn vị ngày.

- Thời gian làm sạch vết thương phần mềm nhiễm khuẩn: là tổng thời gian từ khi điều trị bằng liệu pháp VAC tưới rửa đến khi tiến hành đóng vết thương.

- Hình thức thương tổn vết thương phần mềm nhiễm khuẩn sau làm VAC tưới rửa

- Thay đổi diện tích vết thương sau làm VAC tưới rửa

- Thay đổi tổ chức mô hạt tại giường vết thương sau làm VAC tưới rửa

- Thay đổi tổ chức hoại tử tại giường vết thương sau làm VAC tưới rửa

- Thay đổi dịch tiết tại giường vết thương sau làm VAC tưới rửa

- Thay đổi kết quả cấy dịc vi khuẩn học tại giường vết thương sau làm VAC tưới rửa.

- Biến chứng khi làm VAC tưới rửa: chảy máu, hoại tử áp lực tại mép vết thương, nhiễm trùng, phản ứng lại với vật liệu làm VAC, đau.

Đóng vết thương phần mềm nhiễm khuẩn

- Phương pháp đóng kín vết thương phần mềm nhiễm khuẩn sau làm VAC tưới rửa: tự biểu mô hóa; khâu da thì 2; ghép da; vạt tại chỗ; vạt vùng lân cận; vạt tự do.

PDF Download: 3 View: 86