Tóm tắt
Tâm thần phân liệt là một trong những rối loạn tâm thần nặng, ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người trên thế giới với tỷ lệ mắc mới mỗi năm là 1,5/10000 người [41]. Bệnh thường khởi phát sớm ở cuối độ tuổi vị thành niên hoặc giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành, đa số bệnh nhân tâm thần phân liệt khởi phát ở độ tuổi từ 15 – 25 tuổi, có những trường hợp khởi phát rất sớm trước 12 tuổi gọi là tâm thần phân liệt khởi phát sớm hoặc muộn sau 40 tuổi gọi là tâm thần phân liệt khởi phát muộn [2].
Nguyên nhân của tâm thần phân liệt đến nay vẫn chưa được biết rõ, thường tiến triển từ từ với xu hướng mạn tính và tỷ lệ mắc bệnh có sự thay đổi theo từng vùng địa lý khác nhau. Theo WHO, tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ từ 0,6 – 1,5% dân số [6]. Ở Việt Nam, theo điều tra tại 8 vùng sinh thái khác nhau, tỷ lệ này chiếm 0,47% dân số. Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng dương tính (như hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực...) và các triệu chứng âm tính (như cảm xúc cùn mòn, tư duy ngôn ngữ nghèo nàn, hành vi lười nhác, thụ động...). Những triệu chứng này thường ảnh hưởng nặng nề đến các chức năng sinh hoạt, nghề nghiệp, xã hội, học tập của bệnh nhân.
Suy giảm nhận thức bao gồm những lĩnh vực như trí nhớ, tập trung chú ý, ngôn ngữ, các hoạt động... Ngay từ năm 1857, nhà tâm thần học người Pháp Morel đã mô tả tâm thần phân liệt bằng thuật ngữ “sa sút sớm”, còn tác giả người Đức là Kraepelin đưa ra quan điểm là bệnh gặp ở tuổi trẻ (sớm) và nhất định đưa tới tâm thần sa sút [14]. Đa số các nhà khoa học đều đã công nhận rằng có sự suy giảm nhận thức ở nhiều mức độ ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt và điều này được coi là một gánh nặng lớn cho bản thân bệnh nhân và gia đình. Theo nghiên cứu của Heinrichs và Zakzanis vào năm 1998 đã nhận thấy rằng ít nhất 70 – 80% bệnh nhân tâm thần phân liệt có biểu hiện suy giảm nhận thức [25]. Gần đây hơn, theo nghiên cứu của Đoàn Văn Sỹ và cộng sự vào năm 2021, tỷ lệ suy giảm nhận thức ở bệnh nhân tâm thần phân liệt chiếm tới 82,67% [13].
Các nghiên cứu thực nghiệm cho biết rằng mặc dù các triệu chứng bệnh lý (dương tính và âm tính) làm phá vỡ cuộc sống bình thường của bệnh nhân tâm thần phân liệt, nhưng những suy giảm trong chức năng nhận thức lại có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới khả năng sống tự lập cũng như khả năng tái hòa nhập và tái thích nghi xã hội của bệnh nhân [44]. Trong quá khứ, mặc dù đã đạt được những thành công đáng kể trong điều trị các triệu chứng dương tính và âm tính của tâm thần phân liệt, tuy nhiên việc hiểu và điều trị rối loạn nhận thức trong tâm thần phân liệt vẫn còn nhiều thiếu sót trong hầu hết các khía cạnh của lĩnh vực nhận thức [17]. Hegarty và cộng sự khi xem xét những tài liệu về 100 năm kết quả điều trị tâm thần phân liệt từ cuối những năm 1800 đến những nhăm 1980, đã nhận thấy rằng về cơ bản không có sự cải thiện nào về tình trạng sống độc lập ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Hầu hết bệnh nhân sống ngoài cơ sở chăm sóc, dựa vào sự chăm sóc và hỗ trợ tài chính cho công việc và các nhu cầu cá nhân [24], [17].
Tại Việt Nam những nghiên cứu về tâm thần phân liệt tuy nhiều nhưng đa phần chỉ tập trung vào triệu chứng lâm sàng điển hình và điều trị bệnh chứ chưa chú trọng đến vấn đề suy giảm nhận thức – một vấn đề có ảnh hưởng sâu sắc đến các chức năng nghề nghiệp và xã hội của bệnh nhân đặc biệt là giai đoạn sau của bệnh. Vì vậy, nhằm góp phần phục vụ cho công tác chẩn đoán, điều trị, tiên lượng cho các bệnh nhân tại các bệnh viện tâm thần cũng như tại cộng đồng, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu tỷ lệ, đặc điểm suy giảm nhận thức và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân tâm thần phân liệt” với hai mục tiêu sau:
- Nghiên cứu tỷ lệ và khảo sát một số đặc điểm lâm sàng của suy giảm nhận thức ở bệnh nhân tâm thần phân liệt.
- Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến tình trạng suy giảm nhận thức ở bệnh nhân tâm thần phân liệt.