Tóm tắt
Xơ gan (XG) là bệnh khá phổ biến ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây
là hậu quả của quá trình tổn thương gan lan tỏa, đặc trưng bởi sự xơ hóa và biến đổi
cấu trúc gan bình thường thành các nốt tân tạo mất chức năng[10]. Đây là nguyên
nhân hàng đầu gây nên tử vong ở các bệnh lý có liên quan đến gan trên toàn cầu với
gần 1.5 triệu người vào năm 2019, tăng 10% so với 2010 [28, 38]. Một nghiên cứu
đánh giá gánh nặng bệnh tật toàn cầu trong 27 năm (từ năm 1990 đến năm 2017)
cho thấy số ca xơ gan đã tăng 74,5%. Trong đó khu vực Đông Nam Á nằm trong
các khu vực có số ca mắc bệnh cao nhất [45]. Theo thống kê năm 2020 về bệnh lý
gan tại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam cùng với Hàn Quốc, Lào,
Thái Lan, Myanma và Mông Cổ là nhóm nước có tỉ lệ tử vong do bệnh lý gan cao
nhất khu vực (> 6,0%)[40]
Giãn tĩnh mạch thực quản có mặt ở 30% - 40% bệnh nhân xơ gan còn bù và lên
đến 85% bệnh nhân xơ gan mất bù [31]. Xuất huyết tiêu hóa (XHTH) do vỡ giãn tĩnh
mạch thực quản (TMTQ) là một trong những biến chứng nặng nề, nguy cơ đe dọa
tính mạng ở bệnh nhân xơ gan mất bù, chiếm tỉ lệ đến 70%[17]. Mặc dù có những
tiến bộ về y học trong điều trị, tỉ lệ tái xuất huyết và tử vong trong 5 ngày đầu lần lượt
là 11,5% và 6%, đồng thời tỷ lệ tử vong trong 6 tuần lên tới 20%[35, 44]. Vì vậy,
điều trị xuất huyết để cứu sống bệnh nhân và ngăn ngừa xuất huyết tái phát là mục
tiêu đề ra nhằm giảm tỷ lệ tử vong và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Nguyên nhân chính của vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là do tình trạng tăng áp
lực tĩnh mạch cửa, hình thành tuần hoàn bàng hệ và tăng quá trình giãn mạch làm
tăng lưu lượng tuần hoàn cửa. Khi áp lực trong lòng tĩnh mạch vượt quá khả năng
chịu đựng của thành tĩnh mạch sẽ gây ra vỡ giãn tĩnh mạch thực quản [19]. Do đó,
việc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa bằng các thuốc co mạch tạng có vai trò lớn
trong điều trị xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.
Theo khuyến cáo của các tổ chức trên thế giới, việc điều trị xuất huyết do vỡ
giãn tĩnh mạch thực quản cần phối hợp đồng bộ nhiều phương pháp: hồi sức ban
1
đầu, điều trị nội khoa (thuốc co mạch, kháng sinh,…), nội soi can thiệp (thắt giãn
tĩnh mạch bằng vòng cao su, chích xơ), nối thông cửa chủ (TIPS – Transjugular
Intrahepatic Portosystemic Shunt) [17]. Theo đồng thuận Baveno VII năm 2022, các
thuốc co mạch tạng nên được điều trị trong 2-5 ngày kết hợp với nội soi can thiệp
sớm, trong đó thắt giãn tĩnh mạch bằng vòng cao su là phương pháp được ưu tiên
lựa chọn[21].
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả cầm máu ban đầu tốt
khi phối hợp thuốc co mạch tạng với thắt giãn tĩnh mạch qua nội soi. Theo tác giả
Hunter, tỷ lệ bệnh nhân không tái xuất huyết là 75% sau can thiệp nội soi 6
tuần[29]. Nghiên cứu của Salman chỉ ra rằng 94% bệnh nhân được can thiệp không
tái xuất huyết trong 30 ngày đầu tiên và 72% bệnh nhân ổn định trong suốt 3 năm
tiếp theo[39].
Tại Việt Nam, việc điều trị phối hợp thuốc co mạch tạng và nội soi đang được
triển khai khá đồng bộ tại các bệnh viện, nhưng các nghiên cứu theo dõi bệnh nhân
và đánh giá tình trạng tái xuất huyết và tử vong sau điều trị vẫn còn chưa phổ biến.
Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hiệu quả của điều trị phối
hợp thuốc co mạch tạng với thắt vòng cao su qua nội soi sớm ở bệnh nhân xuất
huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản” với 2 mục tiêu:
1. Khảo sát đặc điểm lâm sàng và hình ảnh nội soi ở bệnh nhân xơ gan có
biến chứng xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.
2. Đánh giá kết quả điều trị phối hợp thuốc co mạch tạng với thắt vòng cao su
qua nội soi sớm và một số biến chứng của điều trị này