Tóm tắt
Bệnh liệt Bell hay liệt mặt ngoại biên nguyên phát được đặt theo tên của nhà giải phẫu học người Scotland, Charles Bell (1774-1842), người đầu tiên mô tả mối liên hệ của dây thần kinh mặt ngoại biên với tình trạng này. Đây là chẩn đoán phổ biến nhất liên quan đến liệt dây thần kinh mặt cũng như bệnh đơn dây thần kinh cấp tính thường gặp nhất [1]. Bệnh liệt Bell ảnh hưởng đến nam và nữ như nhau, với tỷ lệ mắc từ 11,5 đến 40,2/100.000 [3,4]. Mặc dù bệnh liệt Bell có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở độ tuổi từ 15–45, tuổi trung bình là 40 [19]
Hầu hết tình trạng bệnh thường tự trở nên tốt hơn, thông thường các dấu hiệu cải thiện bắt đầu trong 14 ngày, với sự phục hồi hoàn toàn trong vòng 6 tháng [11].
Với các bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện trong vòng ba tuần đầu tiên kể từ khi phát triển các triệu chứng thì cơ hội hồi phục hoàn toàn sẽ cao hơn; do đó, quá trình cải thiện bệnh nên bắt đầu càng sớm thì nguy cơ phát triển các biến chứng và dị cảm còn sót lại càng ít. Bệnh cảnh tuy không gây tử vong nhưng có đến 30% người bệnh không hồi phục hoàn toàn và để lại các di chứng lâu dài mặc dù đã điều trị tích cực [40]. Tình trạng mất cân đối trên khuôn mặt từ trung bình đến nặng có thể tồn tại, thường xuyên làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đây là một trong những hậu quả bất lợi lâu dài của liệt Bell, có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho bệnh nhân. Vì vậy, điều trị liệt Bell được quan tâm trên toàn thế giới.
Hiện nay có rất nhiều lựa chọn cho việc điều trị Liệt Bell bao gồm thuốc kháng virus [26], vitamin B [67], corticosteroid [44], phẫu thuật, vật lí trị liệu và châm cứu. Châm cứu điều trị liệt Bell được sử dụng phổ biến và nhận được sự quan tâm rộng rãi, châm cứu đã được báo cáo trong một vài tổng quan hệ thống của Cochrane trong điều trị liệt mặt [21], [37]. Một số nghiên cứu, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã cho thấy tác dụng điều trị tốt của châm cứu đối với bệnh liệt mặt. Y văn báo cáo tỷ lệ khỏi bệnh thấp nhất là 37% và cao nhất là 100%, trung bình là 81% [61]. Kết luận này là từ việc xem xét không có hệ thống hơn 50 bài báo. Dữ liệu tạm thời từ cuộc khảo sát toàn cầu về YHCT của WHO lần thứ 2 tính đến ngày 11 tháng 6 năm 2012 cho thấy có 105/141 quốc gia và ùng lãnh thổ báo cáo rằng YHCT thiếu dữ liệu nghiên cứu và có 94 quốc gia rất mong đợi được hỗ trợ những Hướng dẫn kỹ thuật về nghiên cứu và đánh giá tính an toàn, chất lượng và hiệu quả của YHCT [73]. Tình trạng thiếu bằng chứng mạnh mẽ về tính an toàn và hiệu của châm cứu trên liệt Bell từ các quan điểm của y học chứng cứ đang là thách thức cơ bản của ngành YHCT.
Nghiên cứu tổng quan về hiệu quả của châm cứu trên Liệt Bell của Cochrane được thực hiện gần nhất vào 2018 [69], cho nên các dữ liệu từ 2019 đến nay hầu như vẫn chưa được xem xét. Hơn nữa, châm cứu điều trị liệt Bell ở Việt Nam được sử dụng rất rộng rãi và đã được đưa vào phác đồ của Bộ Y tế về điều trị bệnh theo YHCT, kết hợp YHHĐ và YHCT [2]. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu về sử dụng châm cứu điều trị liệt Bell ở Việt Nam vẫn chưa được tổng hợp một cách có hệ thống.
Vì những lí do nêu trên, chúng tôi đã tiến hành đề tài “Tổng quan hệ thống và phân tích gộp để đánh giá hiệu quả của châm cứu trên bệnh nhân liệt Bell” với 02 mục tiêu:
- Đánh giá chất lượng các nghiên cứu về hiệu quả của châm cứu trên bệnh nhân liệt Bell
- Xác định hiệu quả của châm cứu trên bệnh nhân liệt Bell dựa vào kết quả của phân tích gộp.