Tóm tắt
Chấn thương sọ não là bệnh cảnh lâm sàng thường gặp ở các trung tâm cấp cứu. Theo nghiên cứu, khoảng 30-70% các trường hợp chấn thương sọ có chấn thương xương thái dương [12]. Nguyên nhân chính là do tai nạn giao thông, kế đến là tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, bạo lực và té ngã [15].
Xương thái dương là một xương lớn và phức tạp, chứa nhiều cấu trúc quan trọng, bao gồm ốc tai và mê đạo, chuỗi xương con, màng nhĩ, ống tai ngoài, thần kinh mặt, thần kinh tiền đình - ốc tai và khớp thái dương hàm dưới. Ngoài ra xương thái dương còn liên quan với các dây thần kinh sọ, tĩnh mạch và động mạch cảnh ở phía dưới. Theo các nghiên cứu, hầu hết vỡ xương thái dương xảy ra sau các chấn thương năng lượng cao, do đó mỗi cấu trúc giải phẫu kể trên đều có nguy cơ bị thương tổn, để lại các biến chứng và thậm chí là tử vong cho bệnh nhân [24]. Bên cạnh đó, chấn thương xương thái dương có thể gây rò rỉ dịch não tủy, viêm màng não và thoát vị não.
Chấn thương xương thái dương và biến chứng của nó không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị tàn tật vĩnh viễn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngày nay, với sự ra đời của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao đã trở thành tiêu chuẩn để chẩn đoán và phân loại vỡ xương thái dương.
Từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, một số hệ thống phân loại đường gãy xương thái dương đã được giới thiệu và áp dụng trên lâm sàng, giúp mô tả chi tiết hình thái đường gãy một cách thống nhất giữa các bác sĩ lâm sàng và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, qua đó có thể dự đoán các di chứng tiềm ẩn như liệt mặt, rò dịch não tủy, giảm thính lực, ...[23]. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, các hệ thống phân loại này vẫn chưa được ứng dụng nhiều.
Vì vậy tôi tiến hành đề tài "Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh cắt lớp vi tính gãy xương thái dương do chấn thương" nhằm mục tiêu:
- Mô tả đặc điểm hình ảnh gãy xương thái dương trên cắt lớp vi tính
- Nghiên cứu mối liên quan giữa hình thái đường gãy trên cắt lớp vi tính với các biến chứng sớm của chấn thương xương thái dương.