SDH.CH Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và chỉ số bạch cầu hạt chưa trưởng thành trong nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em
PDF Download: 0 View: 0

Tóm tắt

Nhiễm khuẩn huyết là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, toàn thân gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và độc tố vi khuẩn vào máu từ ổ nhiễm khuẩn ban đầu gây rối loạn chức năng các cơ quan đe dọa tính mạng. Đây là một vấn đề y tế quan trọng trên toàn thế giới, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong ở trẻ em trên toàn cầu.

Theo ước tính toàn cầu, tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em là 1,2 triệu trường hợp với tỷ lệ tử vong dao động từ 1 – 5% đối với nhiễm khuẩn huyết và 9 – 20% đối với nhiễm khuẩn huyết nặng. Ở nước ta, chưa có một nghiên cứu nào ước tính tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong chung của cả nước, tuy nhiên, có một số nghiên cứu được tiến hành trên phạm vi tỉnh và khu vực. Trong nghiên cứu của tác giả Đinh Dương Tùng Anh (2023) tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng từ năm 2014 – 2020 ghi nhận 4% tử vong do nhiễm khuẩn huyết. Nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Ngọc Bích (2023) tại Trung tâm Nhi Bệnh viện Trung Ương Huế ghi nhận tỷ lệ tử vong – xin về là 29,0%, trong đó 35,0% trường hợp tử vong trong 24 giờ đầu nhập hồi sức tích cực nhi. Nghiên cứu của Hà Thanh Hiếu và cộng sự (2020) tại Bệnh viện Nhi đồng Cần thơ cho kết quả tử vong chung của nhiễm khuẩn huyết là 36,4%, trong đó nhóm sốc nhiễm trùng là 43,9%.

Bệnh cảnh lâm sàng của nhiễm khuẩn huyết rất phức tạp, ở giai đoạn sớm, triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn huyết thường đa dạng và không đặc hiệu, cần phối hợp nhiều xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ. Bệnh diễn tiến nhanh và gây ra nhiều biến chứng nặng như tình trạng sốc nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng đa cơ quan và thậm chí tử vong. Chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn huyết dựa vào kết quả cấy máu, tuy nhiên xét nghiệm này thường cho kết quả muộn, mất khoảng 3 – 7 ngày. Do đó, gây chậm trễ trong chẩn đoán và bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị, điều này được chứng minhh làm tăng tỷ lệ tử vong lên 7,6%. Theo nghiên cứu của tác giả Weiss S. L., và cộng sự (2015) tiến hành nghiên cứu cắt ngang ở tất cả bệnh nhân dưới 18 tuổi được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực nhi tại 128 địa điểm từ năm 2013 – 2014 ghi nhận, tử vong tại bệnh viện là 25%; có 67% bệnh nhân có rối loạn chức năng đa cơ quan khi chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết và 30% sau đó phát triển rối loạn chức năng đa cơ quan mới hoặc tiến triển. Ngoài ra nhiều nghiên cứu được thực hiện ở các nước phát triển và đang phát triển cho thấy tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết cao hơn ở các nước đang phát triển (35%) so với các nước phát triển (5%), và có liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị muộn.

Giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em là một thách thức lớn đối với toàn cầu nói chung và các nước đang phát triển nói riêng – những đất nước có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao. Chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết giúp giảm tỷ lệ tử vong, thời gian nằm viện và cải thiện tiên lượng của bệnh nhân, do đó bên cạnh việc đánh giá các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng thì cần thêm các chỉ số giúp hỗ trợ trong chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết. Ngoài những chỉ số quen thuộc như số lượng bạch cầu (WBC), tỉ lệ bạch cầu trung tính (NEU%), CRP, Procalcitonin; nhiều chỉ số mở rộng của bạch cầu hạt như bạch cầu hạt chưa trưởng thành (Immature granulocytes IG#, IG%) có giá trị trong chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết. Một số nghiên cứu trên thế giới như nghiên cứu của Eloísa Urrachaga và cộng sự, 2018, cho thấy giá trị của bạch cầu hạt trung tính càng tăng từ nhiễm khuẩn khỏe mạnh, nhiễm virus đến nhiễm khuẩn. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tế bào bạch cầu chưa trưởng thành (IG%) có ý nghĩa trong việc phát hiện sớm các bệnh nhiễm khuẩn cũng như dự đoán sớm nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bệnh có đáp ứng viêm hệ thống.

Tóm lại bên cạnh lâm sàng, cận lâm sàng thì các chỉ số giúp hỗ trợ trong chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết là rất quan trọng, giúp nhân viên y tế phát hiện sớm và tối ưu hóa điều trị để cải thiện kết quả điều trị. Bên cạnh đó, các chỉ số bạch cầu hạt mở rộng với tính sẵn có, là thành phần trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ chẩn đoán sớm từ những bước ban đầu.

Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và chỉ số bạch cầu hạt chưa trưởng thành trong nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em” với hai mục tiêu sau:

  1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và chỉ số bạch cầu hạt chưa trưởng thành nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em.
  2. Tìm hiểu mối liên quan giữa chỉ số bạch cầu hạt chưa trưởng thành với đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em.
PDF Download: 0 View: 0