SDH.CH Khảo sát các yếu tố nguy cơ ở trẻ nhỏ liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng tại Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Huế
PDF Download: 4 View: 18

Tóm tắt

Viêm mũi dị ứng là tình trạng bệnh lý viêm mạn tính niêm mạc mũi, xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức đối với dị nguyên trong trong môi trường qua trung gian IgE. Viêm mũi dị ứng đặc trưng bởi các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy mũi, hắt hơi và thường có liên quan đến một số triệu chứng ở mắt như đỏ, ngứa và chảy nước mắt, sưng tấy quanh mắt. Mặc dù viêm mũi dị ứng không phải bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới khả năng học tập và chi phí điều trị tốn kém. Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu Quốc tế về hen và dị ứng trẻ em ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh tại Hà Nội mắc bệnh là 34,9% và tại Thành phố Hồ Chí Minh là 41,5%. Khoảng 20% dân số cả nước đang phải sống chung với căn bệnh này.

Nghiên cứu của tác giả Strachan năm 1989 đã đề xuất đến “giả thuyết vệ sinh” cho rằng việc tiếp xúc nhiều lần với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc các bệnh nhiễm khuẩn khác có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh dị ứng. Những nghiên cứu của ông tập trung vào sự liên quan giữa các hộ gia đình và các bệnh nhiễm khuẩn do anh chị em lây truyền.

Năm đầu đời đánh dấu giai đoạn phát triển của hệ miễn dịch, việc tiếp xúc sớm với mầm bệnh truyền nhiễm cũng như hệ vi sinh vật đường ruột bình thường có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống miễn dịch. Giả thuyết vệ sinh cho rằng vệ sinh tốt hơn, dẫn đến giảm tiếp xúc với vi khuẩn là yếu tố làm gia tăng bệnh dị ứng. Ngoài ra, một số yếu tố liên quan đến môi trường, lối sống và thói quen sinh hoạt trong gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến việc tiếp xúc sớm với vi khuẩn và có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh dị ứng.

Cho đến nay, ngoài những nghiên cứu về yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ được công bố một cách nhất quán, vẫn còn những tranh cãi về các yếu tố còn lại. Sở dĩ có sự tranh cãi này là vì sự khác biệt về vị trí địa lý, chủng tộc, dân số, thiết kế nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tìm hiểu thêm một số yếu tố liên quan để hiểu được cơ chế bệnh sinh của viêm mũi dị ứng. Ở Huế vẫn chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này ở trẻ nhỏ. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Khảo sát các yếu tố nguy cơ ở trẻ nhỏ liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng tại Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Huế” với 2 mục tiêu sau:

  1. Khảo sát thực trạng bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ tại trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Huế.
  2. Khảo sát các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ tại trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Huế.
PDF Download: 4 View: 18