Tóm tắt
Ung thư vòm (UTV) là một trong những ung thư vùng đầu cổ có sự phân bố đặc biệt theo địa lý phổ biến ở Việt Nam và một số nước vùng Nam Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore… Theo GLOBOCAN 2022, tại Việt Nam, UTV có 5613 ca mới mắc trong đó nam giới có 4003 ca mới mắc đứng hàng thứ 6 ở nam giới với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 7.1/100.000 dân, đứng hàng thứ 10 ở nữ giới có 1610 ca mới mắc với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 32,5/100.000 dân .
Mặc dù UTV là một bệnh khó phát hiện sớm và chẩn đoán, bệnh luôn có xu hướng xâm lấn tại chỗ, tại vùng nên còn nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn tiến triển và giai đoạn muộn, nhưng tiên lượng chung của UTV đã được cải thiện qua ba thập kỷ gần đây nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán, quản lý cũng như điều trị bệnh. Tại thời điểm chẩn đoán, giai đoạn III-IVB chiếm tỷ lệ hơn 70% và 95% mô bệnh học là ung thư biểu mô không biệt hóa .
Về điều trị, UTV nhạy cảm với cả xạ trị (XT) và hóa trị, trong đó, XT được coi là phương pháp chính. Với giai đoạn I, XT đơn thuần có thể kiểm soát được bệnh với tỷ lệ sống thêm 5 năm, 10 năm đạt được trên 90% . Kết hợp hóa xạ trị được chỉ định cho các giai đoạn tiến triển tại chỗ, tại vùng (II-IVB). Hiện nay, hóa xạ trị đồng thời với cisplatin có hóa chất bổ trợ hoặc hóa trị dẫn nhập là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho UTV giai đoạn III-IV. Trên thế giới, hóa xạ trị đồng thời cho UTV giai đoạn III-IV có hoặc không hóa trị bổ trợ / hóa trị dẫn nhập cho tỷ lệ sống thêm không tái phát tại chỗ-tại vùng 5 năm là 87-95%, tỷ lệ sống thêm không di căn xa 5 năm là 78-84% đồng thời giảm tỷ lệ độc tính muộn độ 3-4. Xạ trị tăng tỷ lệ kiểm soát tại chỗ-tại vùng 5-8 năm lên khoảng 90%, nhưng ở giai đoạn di căn xa thất bại chủ yếu sau hóa xạ trị đồng thời có hóa trị bổ trợ với tỷ lệ 15-34% ở UTV giai đoạn tiến triển .
Năm 2021, Hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ và Hội ung thư lâm sàng Trung Quốc đã thống nhất khuyến cáo bệnh nhân UTV giai đoạn tiến triển nếu không được hóa trị dẫn nhập trước thì nên hóa trị bổ trợ . Cách thức kết hợp này được chứng minh có hiệu quả trong kiểm soát tại chỗ tại vùng và phòng di căn xa đối với giai đoạn III-IV bởi rất nhiều các thử nghiệm pha III . Tuy nhiên hóa xạ trị phối hợp còn có thể làm tăng tỷ lệ các độc tính cấp và mạn tính, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, một vấn đề rất quan trọng đối với các bệnh nhân có cơ hội sống thêm kéo dài như ở giai đoạn này . Hiện tại, hóa trị dẫn nhập trước hóa xạ trị đồng thời được ưa thích hơn hóa trị bổ trợ sau hóa xạ trị đồng thời ở UTV giai đoạn tiến triển, mặc dù vẫn còn ít bằng chứng để khẳng định lợi ích của hóa trị dẫn nhập so với hóa trị bổ trợ tuy nhiên hóa dẫn nhập làm giảm ảnh hưởng độc tính đáng kể cũng như tăng khả năng hoàn thành phác đồ hơn so với hóa trị bổ trợ .
Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu về kết quả điều trị UTV bằng hóa xạ trị phối hợp cũng như nghiên cứu về vai trò của hóa trị dẫn nhập ở bệnh nhân ung thư vòm giai đoạn tiến triển (giai đoạn III-IVA). Tuy nhiên, nghiên cứu về hiệu quả của xạ hóa đồng thời ở bệnh nhân ung thư vòm giai đoạn tiến triển có hóa trị dẫn nhập đi đầu vẫn chưa được nghiên cứu trên quy mô rộng. Với mong muốn mang đến những bằng chứng có tính khoa học, có khả năng ứng dụng vào việc tiếp cận, theo dõi và tiên lượng cho bệnh nhân ung thư vòm giai đoạn tiến triển. Vì thế tôi tiến hành đề tài “Đánh giá kết quả hóa xạ trị đồng thời ung thư vòm giai đoạn tiến triển” với hai mục tiêu sau:
- Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư vòm giai đoạn tiến triển.
- Đánh giá kết quả điều trị và độc tính hóa xạ đồng thời ung thư vòm giai đoạn tiến triển.