SDH.CH Đánh giá kết quả phẫu thuật dị hình vách ngăn có kết hợp đốt cuốn mũi dưới bằng dao điện lưỡng cực tần số cao
PDF Download: 5 View: 20

Tóm tắt

Khoang mũi là nơi đầu tiên tiếp nhận luồng không khí vào các cơ quan hô hấp dưới. Luồng không khí khi đi qua mũi sẽ được điều hòa, thanh lọc, làm ẩm trước khi vào phổi, nhiệm vụ đó được thực hiện bởi cấu trúc của các thành phần khoang mũi. Trong đó vách ngăn và cuốn mũi đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát luồng không khí khi hít vào và thở ra được đều đặn giữa hai bên mũi, đồng thời góp phần tạo nên sự vững chắc của cấu trúc mũi về mặt thẩm mĩ. Một khi có bất thường vách ngăn - cuốn mũi sẽ ảnh hưởng tới sự lưu thông luồng khí qua mũi có thể gây ra những triệu chứng khác nhau mà nghẹt mũi là một trong những triệu chứng chính người bệnh than phiền, từ đó dẫn đến sự thay đổi của niêm mạc đây là yếu tố thuận lợi gây nên bệnh lý mũi xoang, nó ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Dị hình vách ngăn gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh phổ biến trên dân số thế giới với tỷ lệ 77 - 90%, thường đi kèm với tình trạng quá phát cuốn mũi dưới chiếm 10% đến 20% dân số. Giai đoạn đầu quá phát tổ chức cương bị giãn và cuốn mũi nở to, niêm mạc đỏ, đặt thuốc co mạch còn đáp ứng. Giai đoạn muộn tổ chức liên kết dưới niêm mạc phát triển mạnh, các tuyến tiết nhầy nở to, thoái hóa tổ chức liên kết, niêm mạc trở nên xám nhạt, đặt thuốc co mạch niêm mạc cuốn dưới không còn đáp ứng dẫn đến nghẹt mũi liên tục, lúc này vấn đề can thiệp phẫu thuật được đặt ra.

Trên thế giới có ít nhất 13 phương pháp can thiệp vào quá phát cuốn mũi dưới để điều trị chứng nghẹt mũi như các phương pháp phẫu thuật lạnh là bẻ cuốn, cắt cuốn dưới bán phần, toàn phần, cắt bỏ xương cuốn dưới dưới niêm mạc, tiêm hóa chất gây xơ,…Các phương pháp phẫu thuật bằng nhiệt nóng như đốt điện nhiệt, đốt điện cao tần đơn cực, lưỡng cực, laser, radiofrequency, coblation đã được triển khai và thực hiện trong nhiều năm qua.

Tại Việt Nam, một số phương pháp được thử nghiệm ứng dụng để điều trị quá phát cuốn mũi dưới như cắt toàn bộ cuốn dưới, cắt một phần cuốn dưới, cắt cuốn dưới bằng laser, đông điện, áp lạnh cuốn, chỉnh hình cuốn dưới dùng hummer, chỉnh hình cuốn dưới dùng coblator, chỉnh hình cuốn dưới sóng cao tần,…Theo nghiên cứu của Tạ Minh Tiến năm 2022 cho thấy biến chứng của phẫu thuật chỉnh hình cuốn dưới bằng sóng cao tần thấp hơn so với các phương pháp dùng coblator, hummer với tỷ lệ chảy máu lần lượt là 1,45%, 2,56%, 4,03%, tỷ lệ dính cuốn lần lượt là 0%, 0,51%, 0,4%. Nghiên cứu của Matteo Cavaliere khi nghiên cứu trên 150 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên thành hai nhóm, phẫu thuật sử dụng dao điện đơn cực và dao điện lưỡng cực để đốt cuốn mũi dưới, cho kết quả giảm tình trạng phù nề cuốn mũi và tắc nghẽn mũi ở nhóm sử dụng dao điện lưỡng cực sau 7 ngày và nhóm dùng dao điện đơn cực từ 1 tháng sau phẫu thuật. 

Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào sử dụng dao điện lưỡng cực với tần số cao đốt cuốn mũi dưới để cải thiện triệu chứng nghẹt mũi. Do đó, để thấy rõ ưu điểm, nhược điểm của dao điện lưỡng cực trong phẫu thuật thu nhỏ cuốn mũi dưới, chúng tôi tiến hành đề tài: “Đánh giá kết quả phẫu thuật dị hình vách ngăn có kết hợp đốt cuốn mũi dưới bằng dao điện lưỡng cực tần số cao” với hai mục tiêu sau:

1. Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của dị hình vách ngăn và quá phát cuốn dưới.

2. Đánh giá kết quả phẫu thuật dị hình vách ngăn kết hợp đốt cuốn mũi dưới tần số cao.

PDF Download: 5 View: 20