SDH.CH Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý và tăng trưởng của trẻ sơ sinh non tháng tại Bệnh viện Trung Ương Huế
PDF Download: 0 View: 6

Tóm tắt

Trẻ đẻ non được định nghĩa là trẻ sinh ra còn sống trước khi thai đủ 37 tuần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sơ sinh non tháng được phân loại dựa trên tuổi thai: Sơ sinh cực non (dưới 28 tuần), sơ sinh rất non tháng (28 đến dưới 32 tuần), sinh non vừa đến muộn (32 đến 37 tuần). Ước tính có khoảng 13,4 triệu trẻ sinh non vào năm 2020 (trước 37 tuần tuổi thai) [26]. Sinh non là nguyên nhân gia tăng biến chứng và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, gây ra khoảng 900.000 ca tử vong trong năm 2019 [27].

Trên khắp các quốc gia, tỷ lệ sinh non dao động từ 4–16% số trẻ sinh vào năm 2020 [26]. Theo Stere N.Carilis, tỷ  lệ  đẻ non ở Mỹ là 7-8% [29]. Nghiên cứu của tác giả Charles J Lockwood năm 1995, tỷ lệ đẻ non ở các nước trên thế giới khoảng 8-10% [15]. Nghiên cứu của Vũ Văn Tâm năm 2015 cho kết quả tỷ lệ đẻ non trong tổng số  đẻ  3,6%;  cao  nhất  ở  nhóm  tuổi  thai  34-36  tuần  chiếm  53,7% [11].

Sự tăng trưởng về kích thước và cân nặng của trẻ sơ sinh là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ ngay sau sinh cũng như giai đoạn sau này [4]. Trong những tuần đầu tiên của cuộc sống ngoài tử cung, trẻ đẻ non thường bị thiếu hụt năng lượng và protein tích lũy, mặc dù bổ sung calo và protein theo lượng khuyến cáo [20].  Có rất nhiều phương pháp để đánh giá đặc điểm tăng trưởng của trẻ đẻ non: đánh giá cân nặng, vòng đầu, chiều dài của trẻ, sử dụng biểu đồ Fenton để tính toán Z score và bách phân vị cân nặng, chiều dài, vòng đầu cho trẻ.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như yếu tố môi trường, di truyền, nội tiết và dinh dưỡng, và tùy thuộc các giai đoạn phát triển của trẻ mà các yếu tố có sự tác động khác nhau lên trẻ [14]. Nghiên cứu của tác giả Hoàng Thị Hương năm 2019 trên 60 trẻ sơ sinh nhẹ cân được sinh ra tại khoa Phụ Sản Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và đơn vị nhi sơ sinh Bệnh viện Đại học Y Dược Huế cho thấy các yếu tố: chậm tăng trưởng trong tử cung, bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu, các bệnh lý như viêm đường hô hấp, tiêu chảy có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ [4].

Hiện nay có nhiều nghiên cứu về sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh non tháng. Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đặng Bảo Minh trên 86 trẻ sinh non rất nhẹ cân cho thấy trẻ sinh non rất nhẹ cân có nguy cơ chậm tăng trưởng về cân nặng và vòng đầu [8]. Nghiên cứu của Đặng Thuỳ Linh và cộng sự trên 104 trẻ sinh non cho thấy tăng trưởng thể chất của trẻ sinh non tháng khá tốt [7].

Trong nước ta hiện tại có nhiều nghiên cứu về sự tăng trưởng của trẻ em qua các giai đoạn phát triển của trẻ. Tuy nhiên, ở miền trung còn ít nghiên cứu về đặc điểm tăng trưởng ở trẻ sơ sinh non tháng, do đó tôi tiến hành nghiên cứu “Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý và tăng trưởng của trẻ sơ sinh non tháng tại Bệnh viện Trung Ương Huế” với các mục tiêu sau:

  1. Mô tả đặc điểm bệnh lý và tăng trưởng của trẻ sơ sinh non tháng.
  2. Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của trẻ sơ sinh non tháng.

 

PDF Download: 0 View: 6