SDH.NT Nghiên cứu kết quả điều trị thai làm tổ tại vết mổ cũ bằng phương pháp hút thai kèm chèn bóng và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế
PDF Download: 1 View: 0

Tóm tắt

Thai làm tổ tại vết mổ cũ là hiện tượng túi thai làm tổ tại vị trí sẹo mổ lấy thai của tử cung. Đây là hình thái hiếm gặp của thai lạc chỗ, chiếm khoảng 0,05%  trường hợp [4]. Trên thế giới, trước đây thai làm tổ ở vết mổ cũ rất hiếm gặp, trường hợp bệnh đầu tiên được báo cáo ở Anh vào năm 1978 với triệu chứng giống như một trường hợp sảy thai băng huyết [26]. Từ đó tới năm 2001 mới có 18 trường hợp được công bố trong y văn Anh ngữ, sau đó số liệu tăng nhanh. Theo các nghiên cứu thai làm tổ tại vết mổ cũ chiếm tỷ lệ 0,15% các trường hợp thai phụ có tiền sử mổ lấy thai và chiếm tỷ lệ khoảng 1/1.800 - 1/2.500 thai phụ [3] và có xu hướng ngày càng tăng.

Thai làm tổ tại vết mổ lấy thai cũ gây biến chứng nặng nếu không được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời. Bệnh có nguy cơ gây vỡ tử cung và đặc biệt là băng huyết, đe dọa tính mạng người bệnh [2], [4]. Hiện nay, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Việc lựa chọn phương pháp điều trị đang dựa vào tuổi thai, vị trí túi thai, toàn trạng người bệnh với bốn phương thức chính: (1) Hóa trị liệu, (2) Hủy thai trong túi ối (3) Nong nạo kết hợp chèn bóng, (4) Ngoại khoa [4].

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để nhất nhưng cũng đã có những trường hợp chảy máu nhiều, phải cắt tử cung, phải truyền máu, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh. Can thiệp ngoại khoa tối thiểu hút thai dưới siêu âm nhằm kết thúc thai kỳ sớm, phần nào tránh phải phẫu thuật  [3], [6]. Tuy nhiên, phương pháp điều điều trị này được ghi nhận còn có tỷ lệ thất bại nhất định.

Hút thai dưới 12 tuần ở vết mổ cũ là một trong những phương pháp điều trị bệnh lý thai làm tổ tại vết mổ cũ và là một vấn đề được quan tâm khi mà tỷ lệ bệnh có xu hướng tăng.

Vấn đề đặt ra đối với can thiệp ngoại khoa nói chung cũng như phương pháp hút thai ở vết mổ cũ là làm sao cầm máu nhanh và hiệu quả. Một trong những kỹ thuật cầm máu tạm thời điều trị khi chảy máu trong hút thai những trường hợp trên là chèn bóng sonde Foley. Sonde Foley là dụng cụ không hiếm, có thể trang bị cho các tuyến y tế, kể cả y tế cơ sở và vùng sâu vùng xa. Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung Ương Huế đã áp dụng phương pháp hút thai ở vết mổ cũ và chèn bóng sonde Foley.

Vì vậy, để đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp này, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu kết quả điều trị thai làm tổ tại vết mổ cũ bằng phương pháp hút thai kèm chèn bóng và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế” với 2 mục tiêu sau:

  1. Đánh giá hiệu quả điều trị của kỹ thuật hút thai kèm chèn bóng sonde Foley trong điều trị thai làm tổ tại vết mổ cũ.
  2. Nghiên cứu có yếu tố liên quan ảnh hưởng đến kết quả điều trị của kỹ thuật hút thai kèm chèn bóng sonde Foley trong điều trị thai làm tổ tại vết mổ cũ.
PDF Download: 1 View: 0