Tóm tắt
Tắc ruột là một hội chứng được định nghĩa là ngừng lưu thông chất rắn, hơi, dịch trong lòng ruột. Tắc ruột đứng hàng thứ hai chỉ sau viêm ruột thừa cấp trong các trường hợp cấp cứu ngoại khoa. Sự ngừng lưu thông này có thể do một nguyên nhân cơ học làm tắc lòng ruột, gọi là tắc ruột cơ học; tắc ruột chỉ do mất nhu động ruột trong khi lòng ruột vẫn thông suốt gọi là tắc ruột cơ năng hay liệt ruột.
Tắc ruột do bã thức ăn là một trong những loại tắc ruột cơ học. Nguyên nhân là do khối bã thức ăn được hình thành và nằm chủ yếu tại dạ dày, khi di chuyển xuống ruột non, tuỳ thuộc vào đường kính của lòng ruột và kích thước khối bã mà gây bít tắc. Về mặt triệu chứng học, tắc ruột do bã thức ăn diễn biến giống với các loại tắc ruột khác theo cơ chế bít, triệu chứng thường đa dạng, không đặc hiệu, do vậy việc chẩn đoán chủ yếu phụ thuộc vào khai thác các yếu tố nguy cơ và sử dụng các phương tiện hình ảnh học hỗ trợ. Các yếu tố thuận lợi đã được biết đến như: tiền sử phẫu thuật dạ dày, trẻ em dưới 8 tuổi, người già vệ sinh răng miệng kém, giảm nhu động dạ dày – ruột, kể cả những người trẻ với lối sống ăn uống không lành mạnh, sau bữa ăn khó tiêu, nhiều chất xơ, ăn nhiều trái hồng…. Trong hội chứng tắc ruột, bã thức ăn ít gặp hơn các nguyên nhân khác, tỷ lệ chẩn đoán chính xác trước mổ còn thấp. Ngày nay với sự phát triển của y học, việc sử dụng các phương tiện hình ảnh học hỗ trợ, đặc biệt là CT Scan, đã giúp cho việc chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn có nhiều cải thiện đáng kể.
Nhìn chung, tắc ruột do bã thức ăn có tiên lượng tốt hơn so với các nguyên nhân khác của tắc ruột. Hiện có nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh lý này. Điều trị phẫu thuật đối với một số trường hợp nhằm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị triệt để. Ngoài ra, trong quá trình phẫu thuật có thể thăm dò đường tiêu hoá, điều này có vai trò quan trọng, cho phép tránh các biến chứng, đặc biệt là bỏ sót các khối bã thức ăn khác, phòng ngừa các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn ở lần sau.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về bệnh lý này. Liệu ngày nay với thói quen ăn uống đa dạng, bệnh cảnh lâm sàng phong phú, tuổi thọ trung bình gia tăng, thì việc chẩn đoán trước mổ có cải thiện với các phương tiện hình ảnh hiện đại? Kết quả điều trị phẫu thuật tắc ruột do bã thức ăn như thế nào trong điều kiện lối sống hiện nay? Với mong muốn góp phần vào việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý này, chúng tôi thực hiện: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị ngoại khoa tắc ruột do bã thức ăn” với 2 mục tiêu:
- Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng tắc ruột do bã thức ăn..
- Đánh giá kết quả ngoại khoa tắc ruột do bã thức ăn tại bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế, bệnh viện Trung Ương Huế và bệnh viện quốc tế Trung Ương Huế.