Tóm tắt
Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ phúc mạc đi ra ngoài qua điểm yếu ở thành sau ống bẹn . Các bệnh nhân thoát vị bẹn sẽ được điều trị bằng phẫu thuật và phẫu thuật sớm hay muộn tùy thuộc vào các triệu chứng của bệnh nhân. Hàng năm, trên thế giới có khoảng trên 20 triệu ca phẫu thuật cho các bệnh nhân thoát vị bẹn. Trong vài năm gần đây, phẫu thuật nội soi được sử dụng rộng rãi nhờ ưu điểm xâm lấn tối thiểu và mang tính thẩm mỹ khi hạn chế vết sẹo sau phẫu thuật, cũng như bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống thường ngày sớm hơn và giảm sự xuất hiện các cơn đau mạn tính so với phương pháp mổ mở.
Hai phương pháp phẫu thuật nội soi thường dùng hiện nay là kỹ thuật đặt lưới trước phúc mạc qua đường vào ổ bụng (TAPP) và kỹ thuật đặt lưới hoàn toàn ngoài phúc mạc (TEP). Phẫu thuật TAPP và TEP còn được chỉ định trong các trường hợp thoát vị bẹn phức tạp, thoát vị bẹn nghẹt, thoát vị 2 bên hay thoát vị bẹn tái phát ngày càng phổ biến. Phương pháp TAPP cho phép phẫu thuật viên dễ dàng tìm thấy túi thoát vị mà không cần phải bóc tách thừng tinh, tuy nhiên nó lại có nguy cơ gây dính nội tạng vào tấm lưới và vào vị trí bóc tách phúc mạc. Trong khi đó TEP loại bỏ nguy cơ xâm nhập vào khoang bụng.
Tỷ lệ tái phát của phẫu thuật mổ mở điều trị thoát vị bẹn là khoảng 4%.Tỷ lệ tái phát sau khi thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu điều trị thoát vị bẹn đã được báo cáo lên đến 2% cho cả TEP và TAPP. Đau mạn tính sau phẫu thuật (CPIP) là những cơn đau phải gây khó chịu có ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân, kéo dài ít nhất 3 tháng sau phẫu thuật và giảm dần theo thời gian. CPIP là biến chứng thường gặp nhất sau mổ thoát vị bẹn. 18% bệnh nhân bị CPIP sau phẫu thuật thoát vị bẹn mở và 6% sau phẫu thuật nội soi.
Để góp phần đánh giá tổng quan hơn về lựa chọn phương pháp phẫu thuật và đặc biệt là đánh giá hiệu quả giữa 2 phương pháp TAPP và TEP đối với thoát vị bẹn và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi có đặt tấm nhân tạo, chúng tôi thực hiện đề tài này.