Tóm tắt
Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, kết quả Chương trình tháng 5 đo huyết áp (MMM: MayMeasure Month) 2017 cho thấy có 28,7% người được khảo sát mắc tăng huyết áp và
37,7% bệnh nhân dùng thuốc hạ huyết áp có huyết áp không được kiểm soát. Trong các chiến dịch tiếp theo của Việt Nam vào năm 2018 và 2019, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp trong số người khảo sát lần lượt là 30,3% và 33,8%, và tỷ lệ không kiểm
soát được huyết áp ở người có điều trị tăng tương ứng 46,6% và 48,8%. Có nhiều cách để đánh giá huyết áp của bệnh nhân. Việc chỉ dựa vào chỉ số huyết áp phòng khám tỏ ra nhiều hạn chế khi không thể cung cấp thông tin một cách toàn diện về tình
hình huyết áp của bệnh nhân, chẳng hạn như ở bệnh nhân có tăng huyết áp “áo choàng trắng”, hoặc tăng huyết áp ẩn giấu, cả hai hiện tượng này đều là những hiện tưọng thường gặp và không thể phát hiện được chỉ bởi đo huyết áp phòng khám, là nguyên
nhân dẫn đến chẩn đoán sai lầm. Kỹ thuật đo huyết áp lưu động 24 giờ có giá trị cho việc quản lý tăng huyết áp, giúp cho việc chẩn đoán và dự đoán nguy cơ tim mạch. Thông thường sẽ có sự biến đổi sinh lý của huyết áp, huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương sẽ giảm khoảng 10% trong lúc ngủ so với ban ngày (dipper), một số bệnh nhân tăng huyết áp không có sự biến đổi sinh lý này (non-dipper). Những bệnh nhân có tăng huyết áp về đêm liên quan chặt chẽ với việc tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do tim mạch. Khi tình trạng tăng huyết áp xảy ra, cơ thể sẽ có các cơ chế điều hòa để kiểm soát huyết áp, ví dụ như: điều hòa thông qua thụ thể áp suất và hóa học, điều hòa thông qua các hormone, cơ chế dịch chuyển mao mạch,…, thì một trong những cơ chế rất quan trọng trong điều hòa huyết áp dài hạn là bài tiết Natri do áp suất. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, lượng Natri và Kali ăn vào là một trong những cơ yếu tố môi trường quan trọng trong nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của tăng huyết áp. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về tỷ Natri/Kali niệu ở bệnh nhân tăng huyết áp chưa nhiều. Do vậy, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tỷ Natri/Kali niệu với các thông số của huyết áp lưu động 24 giờ ở bệnh nhân tăng huyết áp” nhằm mục tiêu:
1. Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, tỷ Natri/Kali niệu và các thông số huyết áp lưu động 24 giờ ở bệnh nhân tăng huyết áp.
2. Đánh giá mối liên quan của tỷ Natri/Kali niệu với các thông số của huyết áp lưu động 24 giờ ở bệnh nhân tăng huyết áp.