SDH.NT Đánh giá kết quả điều trị gãy trật khớp cùng đòn bằng nẹp móc
PDF Download: 0 View: 3

Tóm tắt

Gãy đầu ngoài xương đòn chiếm 15% tổng số ca gãy xương đòn [24]. Gãy xương đòn thường do cơ chế chấn thương đập vai xuống thường gặp trong tai nạn giao thông hay thể thao. Trên thế giới hiện có hai phương pháp phẫu thuật được áp dụng là KHX bằng nẹp ép và bằng nẹp móc. Nguyên tắc chính của phẫu thuật là nắn chỉnh và cố định lại đầu ngoài xương đòn về vị trí giải phẫu, tạo điều kiện cho xương và dây chằng liền [3].

 Trong khi khoảng 9% các tổn thương ở vùng đai vai liên quan đến khớp cùng đòn [27]. Trật khớp cùng đòn xảy ra do lực đập trực tiếp lên vai với cánh tay khép hoặc do té ngã với tư thế bệnh nhân cánh tay duỗi. Vì vậy, trật khớp cùng đòn là loại chấn thương thường gặp, đặc biệt ở người trẻ do va chạm trong thể thao. Tổn thương gây trật khớp cùng đòn được mô tả từ thời Hippocrates và Galen, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận trong điều trị bảo tồn cũng như phương pháp phẫu thuật [4, 33].

Ở Việt Nam hiện nay, tình hình tai nạn giao thông phức tạp và sử dụng xe 2 bánh là chủ yếu nên chấn thương khớp vai nói chung và gãy đầu ngooài xương đòn, trật khớp cùng đòn thường có xu hướng tăng cao hơn [2] [3]. Mặc dù gãy đầu ngoài xương đòn và trật khớp cùng đòn thường không đe dọa đến tính mạng, nhưng tác động của nó đối với chất lượng cuộc sống tương đối lớn trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày cũng như các hoạt động thể chất khác.

          Nguyên tắc điều trị trật khớp cùng đòn là phục hồi giải phẫu bình thường giúp cho bệnh nhân có khả năng lấy lại chức năng bình thường của khớp vai. Bằng cách sử dụng phân loại theo Rockwood, trật khớp cùng đòn được chia thành 6 độ tùy theo kết quả chụp X-quang [31]. Phương pháp điều trị bảo tồn ở Rockwood độ 1 và độ 2 được coi là tiêu chuẩn vàng [35]. Điều trị trật khớp độ 4, 5, 6 thường được điều trị bằng phẫu thuật vì có sự mất ổn định nghiêm trọng; tuy nhiên, việc điều trị chấn thương độ 3 vẫn còn gây tranh cãi trong y văn[16] [34]. Có nhiều phương pháp phẫu thuật đã được khuyến nghị để điều trị trật khớp cùng đòn, bao gồm kỹ thuật TightRope, tấm móc và khâu cố định xương đòn. Cho đến nay, chưa có kỹ thuật nào được coi là tốt nhất để điều trị trật khớp cùng đòn và một số biến chứng đã được mô tả cho các phương pháp này [17] [29]. Trong một cuộc khảo sát toàn quốc ở Đức, tấm móc dường như đã trở thành “liệu ​​pháp tiêu chuẩn” cho tình trạng trật khớp cùng đòn cấp tính không ổn định trong vài năm qua [20].

          Phẫu thuật nắn chỉnh cố định bằng nẹp móc được ghi nhận trong y văn từ những năm 1980 với tỷ lệ đạt kết quả tốt và rất tốt được báo cáo lên đến 94% [9]. Một số bệnh viện đã áp dụng kĩ thuật nắn chỉnh cố định bằng nẹp móc tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói chung, cũng như tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về kết quả điều trị của phương pháp này. Với lí do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: "Đánh giá kết quả điều trị gãy trật khớp cùng đòn bằng nẹp móc"

PDF Download: 0 View: 3