SDH.NT Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trên bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt đại tràng do ung thư
PDF Download: 1 View: 11

Tóm tắt

Theo thống kê Globocan 2022, thế giới có gần 20 triệu người mới mắc ung thư hàng năm và hơn 9,7 triệu người tử vong do căn bệnh này trong một năm, trong đó tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 3, với hơn 1,9 triệu trường hợp mắc mới, chiếm 9,6% [17] .Trong đó, ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng phổ biến thứ 4 sau ung thư vú, gan và phổi, với hơn 16 000 người mắc mới [17].

Ung thư đường tiêu hoá nói chung đã được chứng minh có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao hơn so với các vị trí khác chiếm 20 - 85%, trong đó 28 – 52,4% bệnh nhân ung thư đại trực tràng được chẩn đoán suy dinh dưỡng [5]. Hơn nữa, dinh dưỡng cũng là một phần rất quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư kể từ khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh. Bệnh ung thư có thể ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, và ngược lại tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống [9]. Tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như vị trí và giai đoạn bệnh, triệu chứng tiêu hoá như nôn ói, giảm nhập năng lượng hay giảm hấp thu do điều trị,... Bên cạnh đó, phần lớn bệnh nhân ung thư đại trực tràng có khẩu phần ăn trước và sau phẫu thuật đều không đạt so với nhu cầu khuyến nghị về năng lượng, chất sinh năng lượng và các vitamin cũng như một số chất khoáng. Suy dinh dưỡng trước và sau mổ có thể tác động đến quyết định phương pháp điều trị, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể gây tăng nguy cơ biến chứng sau mổ như nhiễm trùng hoặc xì rò vết mổ (5 – 52%), giảm đáp ứng và tăng chi phí điều trị (hơn 25%), kéo dài thời gian nằm viện (8 - 60 ngày) tăng gấp đôi nếu có suy dinh dưỡng nặng chu phẫu, tăng tỉ lệ tử vong, từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống, đáp ứng điều trị và tiên lượng bệnh [5]. Trên thực tế, đến 20% bệnh nhân tử vong do ảnh hưởng của suy dinh dưỡng hơn là ảnh hưởng của bệnh [9]. Vì vậy, việc chẩn đoán và can thiệp sớm suy dinh dưỡng chu phẫu là vô cùng quan trọng góp phần làm giảm mức độ nặng của bệnh và tỉ lệ tử vong sau phẫu thuật, chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân [5].

Thêm vào đó, sụt cân cũng là một trong những nguồn gốc của các biểu hiện tâm lý tiêu cực như đau khổ, chán nản ở bệnh nhân ung thư cũng như người chăm sóc [10]. Sụt cân là một yếu tố tiên lượng trong ung thư, sụt cân càng nhiều thì thời gian sống còn càng ngắn, sụt cân tiến triển tới suy mòn, người bệnh có thể chết do suy mòn trước khi chết do bệnh lý ung thư gây ra [11] [9].

Do ung thư và ảnh hưởng của việc điều trị ung thư, nhiều bệnh nhân ung thư có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng có liên quan đến tiên lượng xấu hơn trong việc điều trị và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Suy dinh dưỡng kèm chán ăn làm suy giảm tình trạng chung mà hậu quả tăng độc tính của thuốc điều trị ung thư. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng là cơ sở để chẩn đoán suy dinh dưỡng và bao gồm nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và loại suy dinh dưỡng. Việc chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng và rối loạn chuyển hóa đặc biệt quan trọng ở bệnh nhân ung thư. Điều này không chỉ để cải thiện hay duy trì tình trạng dinh dưỡng tốt mà còn cho một cơ hội tốt hơn trong việc điều trị ung thư [9].

Để góp phần vào nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của các bệnh nhân ung thư đại tràng, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trên bệnh nhân điều trị triệt căn ung thư đại tràng” với hai mục tiêu:

  1. Nghiên cứu lâm sàng, cận lâm sàng, tình trạng dinh dưỡng trước phẫu thuật của bệnh nhân được điều trị triệt căn ung thư đại tràng.
  2. Mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng trước phẫu thuật theo thang điểm PG – SGA với kết quả sớm sau phẫu thuật .
PDF Download: 1 View: 11