Tóm tắt
Xơ gan là một bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân gây tử
vong hàng đầu hiện nay. Theo Hiệp hội Gan mật Châu Âu 2023, số bệnh nhân xơ
gan mất bù trên toàn thế giới là khoảng 112 triệu người và số người tử vong vì xơ
gan được thống kê chiếm đến khoảng 2,5% số ca tử vong toàn cầu [37]. Về mặt lâm
sàng, xơ gan được chia thành 2 giai đoạn chính là còn bù và mất bù. Xơ gan mất bù
được định nghĩa với sự xuất hiện của các biến chứng rõ ràng của tăng áp cửa đặc
biệt là báng, xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản và hội chứng não
gan. Thời gian sống trung bình của bệnh nhân xơ gan còn bù là 12 năm, tuy nhiên
khi bệnh tiến triển thành xơ gan mất bù, thời gian sống của bệnh nhân bị rút ngắn
lại đáng kể chỉ còn ít hơn 1,5 năm [36].
Xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch là một trong những biến chứng phổ
biến và nặng của xơ gan. Thậm chí với những tiến bộ trong điều trị xuất huyết tiêu
hoá hiện nay, tỷ lệ tử vong trong 6 tuần đầu của bệnh lý này vẫn còn khá cao với
10-15%; tỉ lệ tái xuất huyết và tử vong trong 5 ngày đầu lần lượt là 11,5% và 6%
[75]. Giãn tĩnh mạch thực quản thường xuất hiện ở khoảng 25-30% bệnh nhân xơ
gan còn bù, và 60% ở những bệnh nhân đã có báng. Giãn tĩnh mạch tâm phình vị thì
ít gặp hơn so với giãn tĩnh mạch thực quản và được báo cáo gặp ở 20% bệnh nhân
bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa [47], [49]. Những phương pháp điều trị như thuốc co
mạch, nội soi can thiệp, kháng sinh dự phòng đã được áp dụng để điều trị xuất
huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Tuy vậy, có đến 15% bệnh nhân
xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản thất bại trong việc cầm máu
bằng nội soi, và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân này lên đến 60% [52]. Hơn nữa,
xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch thường làm chức năng gan suy giảm một
cách nhanh chóng và là nguyên nhân phổ biến thúc đẩy các biến chứng khác xảy ra
như bệnh não gan hay viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát. Vì vậy, việc xây dựng
một công cụ đơn giản, khách quan, dễ áp dụng nhằm đánh giá, phân tầng sớm và
xác định nguy cơ tử vong và tái xuất huyết ở bệnh nhân xơ gan có xuất huyết tiêu
hoá do vỡ giãn tĩnh mạch là rất cần thiết.
Các thang điểm tiên lượng về nguy cơ tử vong có ý nghĩa rất lớn trong việc
xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao và giúp bác sĩ lâm sàng có định hướng để
đưa ra quyết định điều trị. Việc tiên lượng vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hiện nay
chủ yếu dựa vào tiêu chí là độ nặng của bệnh gan nền và thang điểm phân tầng nguy
cơ xuất huyết tiêu hoá trên. Về mức độ nghiêm trọng của bệnh gan, thang điểm chủ
yếu được áp dụng là Child-Pugh [65]. Đối với nguy cơ xuất huyết tiêu hoá, nhiều hệ
thống thang điểm ước tính nguy cơ xuất huyết tiêu hoá trên đã được tạo ra như điểm
MELD, Glasgow-Blatchford (GBS), AIMS65, và Rockall [64] để đánh giá tiên
lượng xuất huyết đường tiêu hóa trên. Tuy nhiên, những hệ thống tính điểm này
được thiết kế để ước tính nguy cơ cho xuất huyết tiêu hóa trên cấp tính nói chung
hơn là cho bệnh nhân xơ gan có xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch.
Vì vậy, năm 2019, tác giả Bai và cộng sự đã đề xuất chỉ số CAGIB để ước tính
nguy cơ tử vong nội viện của bệnh nhân xơ gan có xuất huyết tiêu hoá trên cấp tính.
Chỉ số này gồm 6 thành tố đã được nghiên cứu và cho thấy có mối liên hệ với nguy
cơ tử vong ở bệnh nhân bao gồm: đái tháo đường, ung thư biểu mô tế bào gan,
bilirubin toàn phần, albumin, ALT, creatinin. Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu
trên 1600 bệnh nhân và kết luận rằng chỉ số này có thể dự báo tỷ lệ tử vong nội viện
tốt hơn Child-Pugh, MELD hay NLR [22]. Tuy nhiên, CAGIB lại ít được áp dụng
trên thực tế vì thiếu những nghiên cứu lớn chứng minh tính khả thi của nó. Dựa vào
thực tế đó, chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu chỉ số
CAGIB trong tiên lượng xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch ở bệnh nhân
xơ gan” với hai mục tiêu sau:
1. Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và thang điểm CAGIB ở bệnh
nhân xơ gan có xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch.
2. Đánh giá giá trị tiên lượng của thang điểm CAGIB và đối chiếu với chỉ số
MELD ở bệnh nhân xơ gan có xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch.