Tóm tắt
Bỏng là tổn thương cấp tính của cơ thể gây nên bởi sức nhiệt, hóa chất, điện năng, bức xạ [10]. Hoàn cảnh dẫn đến loại tổn thương này khá đa dạng: do tai nạn sinh hoạt (60 - 65%), do tai nạn lao động (5 - 10%), tai nạn giao thông (2%), thiên tai… Bỏng có thể bị đơn thuần hoặc phối hợp với các chấn thương hay tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc khác [10],[12].
Trẻ em là nhóm bệnh nhân thường gặp trong tổn thương bỏng. Đồng thời để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gây nên những di chứng về chức năng, thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài [4],[24],[42]. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương, có xu hướng hiếu động, muốn tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh nhưng chưa có đủ nhận thức về sự nguy hiểm có thể gặp phải. Ở trẻ em sự phát triển của hệ miễn dịch cũng chưa đầy đủ. Các quá trình tự bảo vệ, chống đỡ, miễn dịch ở trẻ em đều chưa hoàn thiện nên bệnh bỏng thường tiến triển nặng [18]. Vì vậy việc giám sát các hoạt động của trẻ là rất quan trọng trong việc phòng tránh tai nạn bỏng.
Theo Lê Thế Trung, ở nước ta số trẻ bị bỏng chiếm từ 38,6 % đến 65,8% trong tổng số bệnh nhân nhập viện vì bỏng [18]. Nghiên cứu từ năm 2017 đến 2019 tại viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho thấy có hơn 3500 trẻ vào viện vì bỏng, trong đó hơn một nửa có độ tuổi từ 1 đến 2 tuổi [4]. Tại khoa Bỏng bệnh viện Trung Ương Huế, nghiên cứu của Huỳnh Anh Việt từ năm 2007 đến 2009 có hơn 300 trẻ vào viện vì bỏng mới [29]. Nghiên cứu của Nguyễn Duy Khánh chỉ ra trẻ ở độ tuổi 1 đến 5 chiếm tỉ lệ cao nhất, số bệnh có diện tích bỏng dưới 20% chiếm 94,3% và bỏng nông chiếm hơn 90%, ngoài ra chỉ hơn một nửa được sơ cứu đúng quy trình [6].
Trên toàn cầu vào năm 2019 có tổng cộng hơn 8,3 triệu trường hợp bỏng mới được xác định, hầu hết các trường hợp tập trung ở độ tuổi 10 - 19. Ngoài ra, bỏng còn gây ra gần 112 ngàn ca tử vong, hầu hết tập trung ở trẻ từ 1 - 4 tuổi. Trong đó đáng chú ý số lượng ca bỏng mới ở châu Á có xu hướng tăng 19% so với 20 năm trước và gặp nhiều ở các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp [51]. Tại Mỹ, mỗi năm có hơn 8000 trẻ nhập viện điều trị bỏng, gần một nửa trong số đó có độ tuổi từ 1 - 4 tuổi và hầu hết có diện tích dưới 20% [46]. Tại Guatemala, qua đánh giá 949 trẻ bị bỏng thì nguyên nhân hàng đầu là nhiệt ướt, tiếp theo sau đó là bỏng do nhiệt khô, ma sát, điện năng và hóa chất [30].
Từ những số liệu trên cho thấy trẻ em chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong tổng số những bệnh nhân nhập viện vì bỏng và không có xu hướng thuyên giảm. Vì vậy đây là một chủ đề rất đáng được quan tâm. Để có cơ sở dữ liệu đánh giá và nâng cao hiệu quả sơ cứu, điều trị, dự phòng biến chứng đồng thời hạn chế tỉ lệ tử vong, rút ngắn thời gian điều trị trong tổn thương bỏng ở trẻ em tại bệnh viện Trung Ương Huế. Chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu đề tài: “ Đánh giá sớm kết quả điều trị bỏng nhiệt nông ở trẻ em” với hai mục tiêu:
- Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bỏng nhiệt nông ở trẻ em
- Đánh giá sớm kết quả điều trị ở nhóm bệnh nhân này.