Tóm tắt
I. Đặt vấn đề và mục tiêu nghiên cứu:
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 500.000 trường hợp mắc mới và có khoảng 250.000 ca tử vong. Ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do căn bệnh này có thể tăng lên đến 443.000 người, gấp đôi các ca tử vong liên quan đến các tai biến sản khoa. Theo Ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có khoảng hơn 4.000 ca mắc mới và có 2.223 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung khá cao, gây sức ép không nhỏ đến nguồn lực kinh tế. Và căn bệnh này cũng để lại hệ lụy nặng nề cho sức khỏe, tâm sinh lý và hạnh phúc của người phụ nữ. Chuyên gia khuyến cáo “Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao”. Để đưa ra các chương trình can thiệp, dự phòng ung thư cổ tử cung phù hợp một trong những yếu tố chúng ta cần biết đó là thực trạng của phụ nữ sàng lọc ung thư cổ tử cung và các yếu tố tác động đến việc phụ nữ đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp dự phòng. Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về thực trạng sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam nói chung và tại Thừa Thiên Huế nói riêng. Xuất phát từ những lý do đó chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu với mục tiêu:
- Mô tả thực trạng sàng lọc ung thư cổ tử cung và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ độ tuổi từ 21 – 65 tại một số phường thuộc thành phố Huế
- Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến thực trạng sàng lọc ung thư cổ tử cung và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ độ tuổi từ 21 – 65 tại một số phường thuộc thành phố Huế.
II. Phương pháp nghiên cứu:
2.1 Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang
2.2 Cỡ mẫu:
Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho nghiên cứu mô tả cắt ngang:
Trong đó:
- n: là cỡ mẫu cần nghiên cứu.
- Z1-α/2 = 1,96 với hệ số tin cậy là 95%.
- p: Tỷ lệ đối tượng có khám sàng lọc ung thư cổ tử cung (theo kết quả điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm 2021 với p=16,4% [16].)
- d: là sai số ước lượng, chọn d = 0,05.
Từ công thức trên, ta tính được cỡ mẫu tối thiểu cần thiết n=211. Ước tính tỉnh tỷ lệ mất mẫu khoảng 10%, cỡ mẫu hiệu chỉnh cho nghiên cứu này là n=211/(1-0,1)= 234.
2.3 Phương pháp chọn mẫu: Áp dụng phương pháp chọn mẫu nhiều giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Thành phố Huế có 36 đơn vị hành chính trực thuộc, chọn ngẫu nhiên đơn vị hành chính đại diện cho 2 khu vực địa lý.
- Giai đoạn 2: Tại mỗi đơn vị hành chính (phường, xã), lập danh sách phụ nữ từ 21-65 tuổi đã kết hôn tại địa bàn. Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn cho từng địa bàn theo danh sách đã lập. Số cá thể được chọn mỗi đơn vị tỷ lệ với số phụ nữ từ 21-65 đã kết hôn tại địa bàn đó và được tính theo công thức sau: m=n.K/N.
Trong đó:
- m: Số mẫu cần chọn tại mỗi địa bàn
- n: Tổng số mẫu cần lấy
- K: Số phụ nữ từ 21-65 tuổi đã kết hôn tại từng địa bàn
- N: Tổng số phụ nữ tại 2 địa bàn.
2.4. Kỹ thuật thu thập số liệu:
- Điều tra viên được tập huấn về nội dung bộ công cụ thu thập số liệu và hiểu rõ về nội dung nghiên cứu.
- Đối tượng nghiên cứu được giải thích đầy đủ nội dung nghiên cứu và đồng ý tham gia nghiên cứu, điều tra viên thực hiện phỏng vấn trực tiếp theo bộ công cụ thu thập số liệu đã được xây dựng.
- Tổng hợp, kiểm tra phiếu hỏi.
III. Nội dung nghiên cứu và biến số:
3.3.1 Nội dung nghiên cứu:
- Mô tả thực trạng sàng lọc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ độ tuổi 21-65 tại một số phường thuộc Thành phố Huế:
+ Mô tả tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 21-65 đã kết hôn ít nhất 1 lần (trong 3 năm gần đây) đã thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung.
+ Mô tả kiến thức và thái độ của đối tượng nghiên cứu đối với sàng lọc ung thư cổ tử cung.
- Tìm hiếu một số yếu tố liên quan đến thực trạng sàng lọc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ độ tuổi 21-65 tại một số phường thuộc Thành phố Huế:
+ Phân tích hồi quy logistic đa biến các yếu tố có liên quan đến thực trạng sàng lọc ung thư cổ tử cung.
3.3.2 Biến số nghiên cứu:
- Biến phụ thuộc: Tỷ lệ sàng lọc ung thư cổ tử cung
- Biến độc lập: đặc điểm nhân khẩu học của đối tượng nghiên cứu, tiền sử sản phụ khoa, kiến thức về bệnh ung thư cổ tử cung và sàng lọc ung thư cổ tử cung, thái độ về bệnh ung thư cổ tử cung và sàng lọc ung thư cổ tử cung, thực hành về sàng lọc ung thư cổ tử cung, một số rào cả về tiếp cận sàng lọc ung thư cổ tử cung,…