Tóm tắt
Stress từ lâu đã là một khái niệm quen thuộc trong đời sống của con người và được định nghĩa là trạng thái lo lắng hoặc căng thẳng tinh thần do một tình huống khó khăn gây ra đòi hỏi phải nỗ lực để thích ứng hoặc vượt qua (WHO, 2023). Theo thống kê của Bộ Y Tế, năm 2023 có khoảng 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần do stress. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng stress ở trong độ tuổi từ 14 đến 25 là áp lực học tập (Nguyễn Hương Thanh, 2010). Theo American Psychological Association (2014), sự gắn kết với trường học (School connectedness) được định nghĩa là “niềm tin của học sinh rằng người lớn (như thầy cô, nhân viên trường học) và các bạn trong trường quan tâm đến việc học tập cũng như chính bản thân học sinh đó” . Trong bối cảnh đó, sự gắn kết với trường học (SGKVTH) của sinh viên với nhà trường đóng một vai trò quan trọng, tác động trực tiếp tạo ra các động lực, đem lại cảm giác thúc đẩy quá trình từ đó nâng cao kết quả học tập, khả năng ứng phó và giảm tình trạng stress trong học sinh sinh viên (Kiều Thị Phương Thảo, 2023). Nhiều nghiên cứu cho thấy, chiến lược ứng phó (CLƯP) hiệu quả có quan hệ thuận chiều với SGKVTH còn chiến lược ứng phó không hiệu quả lại có quan hệ nghịch chiều yếu với biến số này. Đồng thời, mức độ stress càng cao sinh viên càng ít có khả năng ứng phó với stress. SGKVTH cũng có những ảnh hưởng nhất định đến CLƯP với stress (Nguyễn Thanh Hương và cs, 2009). Cách ứng phó với stress học tập quyết định mức độ ảnh hưởng tiêu cực của stress đối với sức khỏe thể chất, tinh thần và hiệu quả học tập của sinh viên (Frydenberg và cs, 2009). Bên cạnh đó, sự gắn kết tốt với trường học và sự quan tâm của bố mẹ là cũng là những yếu tố bảo vệ sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về chủ đề này, đặc biệt là trên đối tượng sinh viên, nhất là sinh viên điều dưỡng. Do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích xác định ảnh hưởng của sự gắn kết với trường học đến các chiến lược ứng phó với stress của sinh viên Điều dưỡng, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế. Kết quả nghiên cứu này có thể giúp cho các sinh viên có thể xây dựng các chiến lược ứng phó với stress hiệu quả, từ đó giúp giảm tỉ lệ stress ở sinh viên và giúp nâng cao kết quả, thành tích học tập, với 2 mục tiêu cụ thể như sau:
1. Mô tả chiến lược ứng phó với stress của sinh viên Điều dưỡng, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế
2. Xác định sự ảnh hưởng của sự gắn kết với trường học và stress đến các chiến lược ứng phó với stress của sinh viên Điều dưỡng, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế.