Tóm tắt
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính đến năm 2030 thiếu hụt khoảng 10 triệu nhân viên y tế và chủ yếu tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (WHO, 2022). Đặc biệt là sự thiếu hụt lực lượng điều dưỡng tại các cơ sở y tế, đội ngũ phụ trách chăm sóc trực tiếp cho người bệnh và chiếm khoảng 50% tổng nhân viên y tế. Sự thiếu hụt điều dưỡng càng trở nên trầm trọng hơn sau đại dịch COVID-19 do tình trạng điều dưỡng bỏ việc (Harms P D, 2021). Một số lý do phổ biến dẫn đến tình trạng bỏ việc của điều dưỡng được biết đến như không được xã hội coi trọng, sự vất vả trong công việc, không cân bằng được công việc và cuộc sống gia đình, thu nhập thấp (Poindexter K, 2022). Bên cạnh sự thiếu hụt điều dưỡng hay tình trạng điều dưỡng bỏ nghề thì số lượng đăng ký học ngành điều dưỡng ngày càng giảm và tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng tăng cao (Lowman G H & Harms P D, 2022).Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2022, chưa đến 2 điều dưỡng cho 1000 người dân và trong 18 tháng từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022 có đến 2874 điều dưỡng bỏ việc ("Bộ Y tế," 2022). Theo ghi nhận từ thực tế, số lượng học sinh đăng ký nhập học điều dưỡng ngày càng giảm.
Các nguyên nhân thiếu hụt điều dưỡng và sự giảm tỉ lệ nhập học kể trên đều liên quan đến năng lực chuyên môn, thái độ, định hướng và nhận thức về nghề nghiệp của sinh viên, được gọi là bản sắc nghề nghiệp. Bản sắc nghề nghiệp đề cập đến sự hiểu biết và khái niệm hóa của một người về bản thân, và có tác động sâu rộng đến cuộc sống của cá nhân do ảnh hưởng của nó đến nhận thức và hành vi (Stets & Burke, 2000). Trong lĩnh vực nghiên cứu nghề nghiệp, các học giả đã phát hiện ra rằng bản sắc nghề nghiệp cung cấp một khuôn khổ tốt để hiểu các quy trình ra quyết định nghề nghiệp (Holland, Gottfredson & Power, 1980). Nhiều học giả đã chứng minh và thừa nhận vai trò có ảnh hưởng của bản sắc nghề nghiệp trong quá trình phát triển nghề nghiệp và ra quyết định ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi, những người đang ở giai đoạn quan trọng của việc cân bằng giữa việc bắt đầu sự nghiệp trong khi thiết lập bản sắc bản thân (Gushue, Scanlan, Pantzer, & Clarke, 2006; Raskin, 1989; Robitschek & Cook, 1999).
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến bản sắc nghề nghiệp là lòng tự trọng và giá trị nghề nghiệp của điều dưỡng ( Jisun Min và c.s 2021 ). Lòng tự trọng là sự thái độ của cá nhân về chính bản thân họ bằng cách đánh giá mức độ phù hợp, so sánh xã hội và tự quy kết (Rosenberg và cộng sự, 1989). Môi trường làm việc luôn không ngừng thay đổi và thách thức, từ đó đòi hỏi sinh viên ngoài việc xây dựng nền tảng kiến thức vững mạnh, họ còn cần phải phát triển cao hơn các kỹ năng tư duy như là tư duy phản biện, ra quyết định và giải quyết vấn đề (Miri, David, & Uri, 2007).. Luo và cộng sự. (2019) nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề đối với sinh viên điều dưỡng trong bối cảnh học tập tự định hướng, vì điều dưỡng viên phải có khả năng phản ứng nhanh chóng bằng cách sử dụng lý luận. Van Gundy (1988) định nghĩa vấn đề là bất cứ tình huống nào trong đó có khoảng cách giữa điều mong muốn và thực tế diễn ra. Theo từ điển Oxford (1995), vấn đề là điều mà chúng ta đang gặp khó khăn và cần có giải pháp. Theo định nghĩa vấn đề được đề cập ở trên, giải quyết vấn đề có thể được hiểu là quá trình thực hiện những hành động phù hợp với mục tiêu.
Hơn hết, qua khảo sát thì tại Việt Nam vẫn chưa có bất kì nghiên cứu nào tập trung vào tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nêu trên đến bản sắc nghề nghiệp đối với với sinh viên, nhất là sinh viên ngành điều dưỡng. Vì vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm tập trung tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của lòng tự trọng và kỹ năng giải quyết vấn đề đến bản sắc nghề nghiệp của sinh viên điều dưỡng. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở giúp cho các sinh viên cũng như các nhà giáo dục xây dựng chiến lực phù hợp để nâng cao bản sắc nghề nghiệp cho sinh viên điều dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo. Vì những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với các mục tiêu sau:
1. Đánh giá nhận thức về bản sắc nghề nghiệp của sinh viên Điều dưỡng trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế.
2. Tìm hiểu tác động của lòng tự trọng và kỹ năng giải quyết vấn đề đến bản sắc nghề nghiệp của sinh viên Điều dưỡng.