Tóm tắt
Sức khỏe tâm thần là một vấn đề quan trọng cả trong nước lẫn nước ngoài. Trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ hiện mắc 10 rối loạn tâm thần phổ biến của dân số Việt Nam là khoảng 14%, trong đó tỷ lệ mắc trầm cảm là 2,45% (số liệu từ năm 2014). Sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần gia tăng đáng kể, trong đó tỷ lệ hiện mắc trầm cảm gia tăng khoảng 6 lần, khoảng 14,6% (số liệu năm 2021).
Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần (Mental Health Literacy - MHL) là kiến thức và thái độ đối đối với sức khỏe tâm thần nhằm giúp nhận biết, quản lý và ngăn ngừa các rối loạn sức khỏe tâm thần. Hiểu biết về sức khỏe tâm thần bao gồm ba lĩnh vực chính: kiến thức về các vấn đề sức khỏe tâm thần; nâng cao tích cực sức khỏe tâm thần; và kiến thức về tìm kiếm sự giúp đỡ. Sinh viên khối ngành Dược là những người chịu nhiều áp lực cả trong học tập lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng, do đó có nguy cơ cao mắc rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu. Hơn nữa, những sinh viên này trong tương lai sẽ trở thành cán bộ trong ngành y tế, sẽ là những người trực tiếp tiếp xúc và hướng dẫn nhiều người mắc rối loạn tâm thần trong cộng đồng. Do đó, việc đảm bảo rằng những sinh viên trong khối ngành sức khỏe có hiểu biết đúng đắn về Sức khỏe Tâm thần là một điều rất quan trọng. Để đạt được điều này, trước tiên cần tìm hiểu được thực trạng về hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần và ưu tiên trong việc tìm kiếm sự trợ giúp ở nhóm đối tượng này.