Tóm tắt
Viêm gan virut là một trong những bệnh truyền nhiễm quan trọng cần được quan tâm với số lượng tử vong ngày càng tăng. Theo WHO, viêm gan virut gây ra 1.3 triệu trường hợp tử vong trên toàn cầu trong năm 2022, là tác nhân lây truyền gây tử vong đứng thứ 2 sau COVID 19 [1]. Có 5 loại virut viêm gan bao gồm, viêm gan A, B, C, D, E. Các tác nhân này đều gây bệnh tại hệ gan mật, nhưng mỗi tác nhân có các đường truyền, mức độ gây bệnh, phân bố địa dư và cách phòng chống khác nhau. Viêm gan virut B (HBV) và C (HCV) thường gây bệnh mạn tính trên hàng trăm triệu người và là nguyên nhân hàng đầu của xơ gan, ung thư gan và tử vong do virut viêm gan. Ước tính trên thế giới có đến 354 triệu người bị ảnh hưởng của viêm gan B, và viêm gan C, nhưng một tỷ lệ khá cao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời [2].
Tại Việt Nam, ước tính lên đến 8.8 triệu người nhiễm HBV và HCV với 40.000 trường hợp tử vong được báo cáo hằng năm. Tuy vậy, 80-90% những trường hợp này không được chẩn đoán kịp thời và 95% những trường hợp đủ điều kiện điều trị không nhận được thuốc điều trị thích hợp [3]. Bên cạnh đó, các genotype của HBV và HCV có sự khác biệt về phân bố dịch tễ, đường lây truyền, tiến triển bệnh, đáp ứng với thuốc kháng virut và biểu hiện lâm sàng như xơ gan và ung thư gan. [4]. Do đó, xác định kiểu gen trên phương diện sinh học phân tử là cần thiết để hiểu rõ về bệnh viêm gan virut tại Việt Nam
Virut viêm gan E và viêm gan D vẫn chưa được đánh giá đúng mực tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới báo cáo gần 20 triệu trường hợp nhiễm HEV mỗi năm với 3.3 triệu ca có biểu hiện viêm gan cấp và 56.600 người tử vong. Đông Nam Á được xem là vùng dịch tễ của HEV và Việt Nam là một trong những vùng nguy cơ cao với các điểm nóng tiềm ẩn của các dịch bệnh lây truyền qua đường phân miệng và bệnh lây truyền từ động vật [5]. Virut viêm gan Delta (HDV) là một loại virut khiếm khuyến cần có protein vỏ của virut HBV để tấn công tế bào gan. Sự đồng nhiễm của HDV và HBV ảnh hưởng khoảng 15-20 triệu người mỗi năm và đây là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mặc dù HDV gia tăng nguy cơ xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan ở những bệnh nhân viêm gan B mạn tính, tác nhân này vẫn chưa được chú trọng chẩn đoán ở những nước đang phát triển [6]. Tại miền bắc Việt Nam, 13% bệnh nhân nhiễm HBV có đồng nhiễm với HDV, với tỷ lệ cao nhất ở nhóm đối tượng xơ gan là 19% [7].
Chẩn đoán HEV không phải là chẩn đoán phân biệt thường quy tại Việt Nam. Nghiên cứu trước đây tại miền bắc Việt Nam đã chỉ ra rằng trường hợp siêu nhiễm HEV, đặc biệt đồng nhiểm với HBV dẫn đến sự gia tăng các biến chứng của HBV và làm tăng tiến triển đến xơ gan và ung thư gan ở những bệnh nhân viêm gan B mạn tính [8]. Nghiên cứu này cũng phát hiện 1 nhiễm vi-rut viêm gan E genotype 3, là genotype có nguồn gốc lây truyền tư động vật. Một nghiên cứu khác tại Việt Nam cũng chỉ ra tỷ lệ huyết thanh dương tính cao ở nhóm người có nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với động vật, cho thấy đường lây truyền chủ yếu của viêm gan E tại việt nam là từ đồng vật [9]. Hiện tại, số liệu chưa công bố của nhóm nghiên cứu tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy một số mẫu từ lợn nhà tại các trại khác nhau nhiễm virut viêm gan E subgenotype 3a và 3f, đây là những subgenotype giống với các subgenotype phân lập người, cho thấy khả năng lây truyền viêm gan E từ động vật sang người. Tuy nhiên vẫn chưa có các bằng chứng lây truyền viêm gan E có nguồn gốc từ miền trung được báo cáo. Do đó, giải trình tự gen các trường hợp viêm gan E tại Thừa Thiên Huế sẽ làm sáng tỏ đường lây truyền của tác nhân này và có thể đưa ra các phương pháp dự phòng phù hợp, đặc biệt là nhóm đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao.
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế (BVDHYD)là một trong những bệnh viện lớn tại miền trung Việt Nam, với hàng ngàn lượt khám bệnh mỗi ngày. Số liệu từ khoa xét nghiệm trung tâm cho thấy, mỗi tháng có khoảng 1300 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân nghi ngờ viêm gan B được chỉ định HbsAg với tỷ lệ dương tính khá cao là 10%. Tuy nhiên, hiện tại chưa có chương trình sàng lọc HEV và HDV tại BVDHYD gây ra bỏ sót chẩn đoán những tác nhân này và tăng gánh nặng bệnh tật ở những bệnh nhân viêm gan B và nhóm bệnh nhân viêm gan khác. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tỷ lệ nhiễm HEV và HDV ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt ở những người mắc các bệnh về gan như HCV, xơ gan, ung thư gan, viêm gan tự miễn, xơ gan mật, gan nhiễm mỡ, bệnh gan do rượu và béo phì không do rượu. Sự đa dạng di truyền của bệnh viêm gan siêu vi sẽ được phân tích ở cấp độ phân tử để làm sáng tỏ mô hình lây truyền và tỷ lệ nhiễm trùng
2. Mục tiêu:
• Xác định tỷ lệ đồng nhiễm các virus viêm gan E và D trên bệnh nhân nhiễm viêm gan B,C và đặc điểm lâm sàng của viêm gan do virus tại miền trung việt nam.
• Xác định tính đa dạng gen của virut viêm gan và mối liên quan đến triệu chứng lâm sàng.
3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang
Thời gian nghiên cứu: 4/2023 – 12/2025
Tiêu chuẩn chọn bệnh: Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế được chẩn đoán liên quan đến các bệnh lý gan mật cấp và mạn tính như: Viêm gan cấp/mạn, viêm gan virut B/C, xơ gan, viêm gan tự miễn, và ung thư gan. Tất cả bệnh nhân tuyển chọn đều được bác sĩ lâm sàng chỉ định xét nghiệm men gan AST,ALT và chức năng gan.
Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân không tham gia nghiên cứu hoặc không thu thập đầy đủ thông tin
Phương pháp thu thập mẫu: Mẫu huyết thanh được thu thập dựa trên sự hợp tác giữa Phòng Xét nghiệm Trung tâm và Khoa Ký sinh trùng, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Bảng câu hỏi được sử dụng để thu thập các thông tin liên quan của đối tượng tham gia. Mẫu máu sau khi bệnh nhân làm xét nghiệm sẽ được thu thập quay ly tâm để lấy huyết thanh, mẫu bệnh phẩm được lưu trữ tại âm 80oC. Kỹ thuật sinh học phân tử sẽ được tiến hành tại Việt Y học Nhiệt đới – Trường Đại học Tubingen
Quy trình thực hiện:
Xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể kháng HEV: bộ kit WANTAI HEV ELISA được sử dụng để phát hiện kháng thể anti-HEV IgG, anti-HEV IgM và HEV-antigen. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán được đang nhiễm hoặc từng nhiễm HEV.
Tách acid nucleic và sàng lọc virut viêm gan: Bộ kit A QIAamp Mini Kit được sử dụng để tách chiết RNA và DNA từ huyết thanh. Để sàng lọc HEV và HDV, cDNA được tổng hợp từ RNA sử dụng kit LunaScript® RT SuperMix. Sử dụng kỹ thuật PCR lồng để phát hiện các đoạn gen khác nhau của virut viêm gan. Các mẫu dương với HEV và HDV cùng với HBV sẽ được giải trình tự gen bằng kỹ thuật Sanger để xác định genotype và đột biến của các virut viêm gan.
Phân tích số liệu: xử lý số liệu bằng phần mềm IBM SPSS 25 và Graphpad Prism 9. Xử lý trình tự và phân tích gen bằng phần mềm MEGA11.
4. Kết quả dự kiến
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tỷ lệ nhiễm HEV và HDV ở bệnh nhân với các mức độ khác nhau của bệnh gan như xơ gan và ung thư gan, cùng với tỷ lệ đồng nhiễm các loại virut viêm gan khác nhau, cụ thể viêm gan E và D trên nền viêm gan B/C. Dựa trên đặc điểm lâm sàng của các nhóm khác biệt để xác định ảnh hưởng của virut viêm gan trên nhóm đối tượng nguy cơ tại miền trung Việt Nam. Bên cạnh đó, đặc điểm phân tử và tính đa dạng gen của các virut viêm gan sẽ được phân tích để làm rõ các genotype mang đột biến ảnh hưởng đến khả năng lây truyền và mức độ của bệnh