Tóm tắt
Kiểm soát đường thở khó là một thách thức rất lớn đối với các bác sĩ lâm sàng chuyên nghành gây mê hồi sức và hồi sức cấp cứu. Đối với bệnh nhân phẫu thuật, thất bại trong kiểm soát đường thở sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh chóng đặc biệt là trong các phẫu thuật cấp cứu. Đã có rất nhiều khuyến cáo về kiểm soát đường thở khó trong thời gian gần đây và các khuyến cáo đều nhấn mạch vai trò của phối hợp đa phương thức trong kiểm soát đường thở khó ở bệnh nhân phẫu thuật. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các kỹ thuật này người bác sĩ cần được đào tạo một cách bài bản về kiến thức, kỹ năng, thái độ và năng lực quyết đoán. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng kỹ thuật phối hợp đa phương thức để đánh giá hiệu quả, các yếu tố nguy cơ, yếu tố thất bại trong kiểm soát đường thở khó là vấn đề thực sự cấp thiết.
Nghiên cứu tiến hành trên 60 bác sĩ nội trú được đào tạo đặt nội khí quản qua ống nội soi mềm và kỹ thuật đặt nội khí quản đa mô thức bao gồm đặt qua ống nội soi mềm được hỗ trợ thêm với đèn soi thanh quản video trên ma-nơ-canh, thực hiện ít nhất 5 lần. Các bác sĩ nội trú tự nguyện tham gia nghiên cứu. Các bác sĩ nội trú sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để thực hiện một trong hai kỹ thuật đặt nội khí quản cho bệnh nhân theo quy trình. Các bệnh nhân được đánh giá đạt một hoặc hai tiêu chuẩn của đặt nội khí quản khó trên lâm sàng tự nguyện tham gia nghiên cứu.
Các thông số đánh giá bao gồm:
- Số năm đã thực tập của bác sĩ nội trú.
- Kinh nghiệm đặt nội khí quản qua ống nội soi mềm và đèn soi thanh quản video.
- Đặc điểm của bệnh nhân trước khi khởi mê: SpO2, tần số tim, huyết áp.
- Thông số trong gây mê.
- Thời gian và chất lượng đặt nội khí quản:
+ Đặt ống quá 2 phút và nguyên nhân.
+ Giá trị SpO2 thấp nhất và EtCO2 cao nhất trong 1 phút đầu tiên sau đặt nội khí quản.
+ Giá trị của huyết áp và tần số tim ghi nhận được trong 1 phút đầu tiên sau đặt nội khí quản.
+ Ý kiến chủ quan của người thực hiện và của người giám sát theo thang điểm từ 0 đến 10.
+ Đau họng sau phẫu thuật.