Tóm tắt
Già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức về xã hội, kinh tế và y tế. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, tỷ lệ người cao tuổi ở các nước phát triển dự kiến sẽ tăng từ 20% (2023) lên 28% (2050). Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận khoảng 8,5% dân số trên 65 tuổi vào năm 2022, cho thấy sự gia tăng rõ rệt. Khi về già, người cao tuổi thường đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm các rối loạn giấc ngủ như khó vào giấc, thức giấc giữa đêm, và ngủ không sâu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của người cao tuổi bao gồm tuổi tác, giới tính, thể trạng, yếu tố tâm lý (lo lắng, bệnh tật), nội tiết, và bệnh lý đồng mắc. Chất lượng giấc ngủ kém làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ các vấn đề như trầm cảm, lo lắng, đột quỵ, bệnh tim, cao huyết áp, té ngã và gãy xương. Bên cạnh đó, các rối loạn tâm lý như stress, lo âu, và trầm cảm thường xuất hiện nhưng ít được phát hiện sớm. Nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng trầm cảm ở người cao tuổi có mối liên quan với rối loạn giấc ngủ, nhận thức kém, và bệnh lý khác.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu đồng thời khảo sát các vấn đề này còn hạn chế. Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài: “Rối loạn giấc ngủ và tình trạng stress, rối loạn lo âu, trầm cảm ở bệnh nhân cao tuổi điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế” nhằm hai mục tiêu:
- Khảo sát đặc điểm chất lượng giấc ngủ và tình trạng stress, rối loạn lo âu, trầm cảm ở bệnh nhân cao tuổi.
- Tìm hiểu mối liên quan giữa chất lượng giấc ngủ với tình trạng stress, rối loạn lo âu, trầm cảm và một số đặc điểm khác ở bệnh nhân cao tuổi.