SDH.CK2 Nghiên cứu đặc điểm tổn thương gan ở bệnh nhân sốt xuất huyết dengue người lớn tại Bệnh viện Trung ương Huế năm 2024 – 2025
PDF Download: 21 View: 9
PDF Download: 13 View: 9

Tóm tắt

Sốt xuất huyết dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút dengue gây ra. Vi-rút dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 và độc lực vi-rút khác nhau giữa các type. Mỗi vùng miền, mỗi năm có sự khác nhau về các type huyết thanh lưu hành. Muỗi Aedes aegypti là véc-tơ truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, có thể gặp ở mọi lứa tuổi [1]. Trên toàn cầu, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng dần từ 30.668.000 vào năm 1990 lên 56.879.000 vào năm 2019 [32].

Tại Việt Nam, số ca sốt xuất huyết được báo cáo thay đổi đáng kể theo từng năm. Từ năm 2007 đến năm 2016, số ca trung bình được báo cáo mỗi năm là 90.844. Các đợt bùng phát sốt xuất huyết có xu hướng lớn hơn và thường xuyên hơn ở các tỉnh phía Nam, với tỷ lệ nhiễm trùng thường đạt đỉnh điểm từ tháng 6 đến tháng 10. [17] Ở Việt Nam, mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh trong nhiều năm qua, tuy nhiên tình hình SXHD vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, đã và đang trở thành vấn đề y tế nghiêm trọng. Tính đến tháng 12 năm 2024 theo số liệu báo cáo thống kê  Bệnh Truyền nhiễm của Bộ Y tế đã có tổng cộng 132.553 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết dengue và 21 trường hợp tử vong do SXHD được báo cáo [2]. Với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh số mắc và số tử vong ngày càng tăng, ngành Y tế đang nổ lực tìm nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh, giải pháp mới nhất đó chính là triển khai tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết dengue có tên gọi là (vắc xin Dengvaxia và Qdenga) đây là biện pháp dự phòng để tạo miễn dịch cộng đồng, nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do SXHD. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ tiêm vắc xin chưa được nhiều, tỷ lệ bao phủ vắc xin chưa cao, và hiệu quả đánh giá sau tiêm vắc xin cũng chưa được rõ.

Bệnh SXHD có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, gây tổn thương ở nhiều cơ quan, phổ biến là gan. Tổn thương gan thường gặp trong bệnh SXHD và biểu hiện khá đa dạng, thay đổi khác nhau từ tổn thương nhẹ tăng transaminase không triệu chứng đến mức độ nặng vàng da và suy gan cấp tính, dẫn đến tử vong [30]. Nhiều yếu tố góp phần gây nên tổn thương gan trong SXHD bao gồm thiếu oxy do giảm tưới máu, vi-rút tấn công trực tiếp tế bào gan hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại vi rút. Một số nghiên cứu cho thấy mức độ tổn thương gan cũng như rối loạn đông máu có tương quan với số lượng vi-rút dengue nhân lên trong tế bào gan và có ý nghĩa tiên lượng trong trường hợp lâm sàng nặng của SXHD [14]. Nghiên cứu của tác giả Parkash O và cộng sự (2010) trên 699 bệnh nhân (≥ 14 tuổi) mắc SXHD ở Pakistan ghi nhận 86% tăng ALT và có mối liên quan giữa tăng ALT và sốc, tử vong trong SXHD [25].

Tại Việt Nam, SXHD đã trở thành dịch hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng cũng như tổn thương gan trong SXHD cũng đã được một số tác giả đề cập đến [30]. Tuy nhiên nghiên cứu về tổn thương gan trong bệnh SXHD ở người lớn chưa có nhiều và phần lớn chỉ đánh giá sự thay đổi của transaminase chưa khảo sát biến đổi của chức năng gan. Để góp phần tìm hiểu thêm về bệnh SXHD, đặc biệt là tổn thương gan trong các thể lâm sàng của SXHD, chúng tôi tiến hành nghiên cứu: “Nghiên cứu đặc điểm tổn thương gan ở bệnh nhân sốt xuất huyết dengue người lớn tại Bệnh viện Trung ương Huế năm 2024 – 2025” nhằm mục tiêu:

  1. Khảo sát một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và mức độ tổn thương gan ở bệnh nhân sốt xuất huyết dengue người lớn.
  2. Đánh giá liên quan tổn thương gan với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và diễn tiến bệnh ở bệnh nhân sốt xuất huyết dengue người lớn.
PDF Download: 21 View: 9
PDF Download: 13 View: 9