NCKH.TRUONG Sự phát triển nhận thức âm vị ở trẻ em nói tiếng Việt
PDF Download: 0 View: 0

Tóm tắt

Nhận thức âm vị là khả năng hiểu và phân tích cấu trúc âm thanh của các từ trong lời nói. Đây là một trong ba thành tố quan trọng của xử lý âm vị, liên quan đến việc nhận biết và sử dụng thông tin âm vị để xử lý ngôn ngữ nói và viết. Nhận thức âm vị là một kỹ năng đa cấp độ, bao gồm nhận thức âm tiết, nhận thức âm đầu-phần vần, và nhận thức cấp độ âm vị. Các nghiên cứu cho thấy nhận thức âm tiết và nhận thức âm đầu - phần vần phát triển sớm hơn nhận thức cấp độ âm vị. Cụ thể, trẻ em thường phát triển nhận thức âm tiết và âm đầu - phần vần trong giai đoạn mẫu giáo, trong khi nhận thức cấp độ âm vị thường được hình thành rõ rệt vào giai đoạn lớp một. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhận thức âm vị có thể khác nhau tùy vào đặc điểm âm tiết và mức độ phức tạp của hệ thống chữ viết trong từng ngôn ngữ. Tiếng Việt có cấu trúc âm tiết và hệ thống chữ viết khác biệt so với tiếng Anh, nên chưa rõ liệu quá trình phát triển nhận thức âm vị ở trẻ nói tiếng Việt có tương tự như ở trẻ nói tiếng Anh hay không. Vì nhận thức âm vị đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kỹ năng đọc, việc nghiên cứu quá trình phát triển nhận thức âm vị ở trẻ em nói tiếng Việt là cần thiết. Nghiên cứu này nhằm:

  1. Đánh giá khác biệt trong khả năng nhận thức âm vị giữa trẻ nói tiếng Việt độ tuổi mẫu giáo và độ tuổi lớp một.
  2. Đánh giá khác biệt trong khả năng nhận thức âm vị giữa ba cấp độ âm thanh (âm tiết, âm đầu-phần vần, và âm vị).
  3. Đánh giá mối quan hệ giữa nhận thức âm vị và các kỹ năng xử lý âm vị khác, khả năng đọc, kiến thức chữ cái, và từ vựng.
PDF Download: 0 View: 0