Tóm tắt
U tế bào thần kinh đệm (Glioma) là nhóm u não nguyên phát, có nguồn gốc từ từ các tế bào thần kinh đệm hoặc các tế bào tiền thân của chúng, bao gồm: u tế bào hình sao (astrocytoma) (bao gồm cả u nguyên bào thần kinh đệm (glioblastoma), u tế bào thần kinh đệm ít nhánh (oligodendroglioma), u màng não thất (ependymoma), u thần kinh đệm hỗn hợp, và một số loại mô học hiếm gặp khác. Chúng chiếm khoảng 25% trong tất cả các khối u não và thần kinh trung ương nguyên phát và chiếm 80% trong số các khối u ác tính ở vùng này.
Dựa trên hướng dẫn của WHO năm 2016, các khối u thần kinh trung ương được chia thành bốn cấp độ, từ I đến IV, với mức độ ác tính tăng dần. Phẫu thuật cắt bỏ tối đa trong giới hạn an toàn được công nhận rộng rãi như một tiêu chuẩn điều trị cho u thần kinh đệm độ cao. Phác đồ điều trị bổ trợ hiện được chấp nhận, dựa trên một thử nghiệm của Tổ chức Nghiên cứu và Điều trị Ung thư Châu Âu (EORTC) và Nhóm Thử nghiệm Lâm sàng NCIC, bao gồm phẫu thuật cắt bỏ tối đa hoặc sinh thiết, sau đó là điều trị đồng thời bằng temozolomide (TMZ) và xạ trị (tổng liều 60 Gy chia thành 30 phân liều), tiếp theo là 6 chu kỳ TMZ bổ trợ. Phác đồ này dựa trên kết quả thử nghiệm cho thấy cải thiện tỷ lệ sống sót tốt hơn so với chỉ dùng xạ trị đơn thuần.
Xu hướng hiện đại trong điều trị u não đang hướng tới việc kết hợp các kỹ thuật xạ trị tiên tiến với các phác đồ thuốc mới, nhằm tối ưu hóa kết quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Nhằm đánh giá hiệu quả của xạ hoá đồng thời sau phẫu thuật u thần kinh đệm độ cao, tôi thực hiện nghiên cứu: “Đánh giá kết quả xạ hoá đồng thời sau phẫu thuật ở bệnh nhân u thần kinh đệm độ cao” với hai mục tiêu chính:
- Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân u thần kinh đệm độ cao đã phẫu thuật.
- Đánh giá kết quả điều trị bằng hoá xạ đồng thời trên nhóm bệnh nhân nghiên cứu.