Tóm tắt
Mục tiêu
- Mục tiêu 1: Đánh giá hiệu quả của kính thực tế ảo trong việc làm giảm lo lắng trước phẫu thuật ở trẻ em, chất lượng khởi mê và một số thay đổi hành vi ở trẻ em sau phẫu thuật.
- Mục tiêu 2: Đánh giá hiệu quả của kính thực tế ảo trong việc làm giảm lo lắng, giảm đau ở trẻ em nắn chỉnh bó bột chi gãy và một số thay đổi hành vi ở trẻ em sau thủ thuật
Đối tượng nghiên cứu
Trẻ em từ 5-12 tuổi được phẫu thuật chương trình đòi hỏi phải gây mê toàn thân hoặc có chỉ định bó bột, tình trạng sức khoẻ ASA I-II, trẻ và phụ huynh đồng ý tham gia nghiên cứu. Loại trừ những bệnh nhân chấn thương đầu/mặt cản trở việc đeo kính; mất ý thức, thay đổi trạng thái tinh thần, chấn thương hoặc đau ốm đe doạ đến tính mạng, đa chấn thương; vết thương hở da, chấy, ghẻ, hoặc tình trạng nhiễm trùng da khác ở đầu/mặt; trẻ không hợp tác mang kính; mù lòa; chậm phát triển trí tuệ; những bệnh nhân mang kính thực tế ảo không vừa vặn. Đưa ra khỏi nghiên cứu khi có sự cố đột ngột của thiết bị không lường trước được (hết pin, hỏng hóc…); có biến chứng về phẫu thuật như chảy máu sau phẫu thuật, cần phẫu thuật cấp cứu cầm máu; cần thở máy kéo dài (trên 2 giờ) tại phòng hồi tỉnh hoặc hồi sức.
Phương pháp nghiên cứu
- Nghiên cứu tiến cứu, ngẫu nhiên, có so sánh
- Cỡ mẫu: 120 trẻ, trong đó 60 trẻ được gây mê để phẫu thuật chương trình, 60 trẻ được chỉ định bó bột. Trong đó mỗi nhóm 60 trẻ được chia đều với 30 trẻ được can thiệp đeo kính, 30 trẻ được tiến hành phẫu thuật/thủ thuật và theo dõi một cách thường quy.
Kết quả dự kiến
- Đặc điểm mẫu nghiên cứu
- Mức độ giảm lo lắng trước phẫu thuật ở nhóm trẻ sử dụng kính thực tế ảo, chất lượng khởi mê và sự xuất hiện một số hành vi không thích hợp ở trẻ sau phẫu thuật
- Mức độ giảm lo lắng trước bó bột ở nhóm trẻ sử dụng kính thực tế ảo, mức độ đau và sự xuất hiện một số hành vi không thích hợp ở trẻ sau thủ thuật