Tóm tắt
Tại Việt Nam, XHDN do vỡ PĐMN đã và đang là một gánh nặng y tế đáng kể,
với tỷ lệ mắc ước tính 2-6/100.000 dân mỗi năm, tương đương hàng nghìn ca mới
mỗi năm [14]. Sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, hút thuốc lá và
tuổi thọ kéo dài càng làm trầm trọng thêm tình hình [15]. Can thiệp nội mạch được
triển khai từ những năm 2000 tại các trung tâm lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh
viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Trung ương Huế, nhưng dữ liệu về kết quả điều trị
dài hạn, đặc biệt với phình cổ rộng, còn rất hạn chế [9], [14]. Các nghiên cứu trong
nước chủ yếu tập trung vào PĐMN nói chung hoặc so sánh phẫu thuật với can thiệp
nội mạch, mà chưa đi sâu vào nhóm PĐMN cổ rộng – một thể bệnh lý đòi hỏi kỹ
thuật phức tạp hơn như sử dụng stent hỗ trợ hoặc stent đổi hướng dòng chảy, vốn chỉ
mới được chú ý trong thập kỷ qua [15]. Bệnh viện Trung Ương Huế, với vai trò trung
tâm y tế đầu ngành miền trung, đã áp dụng rộng rãi can thiệp nội mạch từ những năm
2010, xử lý hàng trăm ca PĐMN mỗi năm. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào tại
đây cung cấp một cái nhìn toàn diện về những đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở
những bệnh nhân XHDN do vỡ PĐMN cổ rộng, cũng như kết cục lâm sàng sau 90
ngày ở nhóm bệnh nhân này. Điều này không chỉ phản ánh khoảng trống nghiên cứu
mà còn nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về dữ liệu thực tiễn để cải thiện phác đồ điều trị,
nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân. Đây chính là lý do để thực hiện đề tài
“Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết cục ở bệnh nhân xuất huyết
dưới nhện do vỡ phình động mạch não cổ rộng tại Bệnh viện Trung Ương Huế”,với 2 mục tiêu:
1. Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân xuất huyết dưới nhện
do vỡ phình động mạch não cổ rộng tại bệnh viện Trung Ương Huế.
2. Đánh giá kết cục lâm sàng 90 ngày ở những bệnh nhân này.