SDH.NT Đánh giá kết quả che phủ khuyết hổng phần mềm lộ gân xương bằng mô liên kết lỏng lẻo quanh cân
PDF Download: 0 View: 0

Tóm tắt

Vết thương hở có gân và xương lộ ra ngoài luôn là một thách thức đáng kể trong điều trị, do tính chất thiếu nguồn cấp máu nuôi dưỡng, dẫn đến quá trình lành thương chậm và không hoàn chỉnh . Hiện nay, các phương pháp điều trị vết thương lộ gân xương bao gồm ghép da tự thân, da nhân tạo và sử dụng các vạt có cuống mạch nuôi. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những giới hạn nhất định. Ghép da lên những vùng khuyết hổng lộ gân và xương thường không mang lại hiệu quả tích cực do bề mặt gân và xương thiếu máu nuôi dưỡng. Kết quả là tổn thương thường xuyên bị hoại tử, dẫn đến thất bại trong điều trị hoặc tạo ra sẹo xấu, co kéo [24]. Da nhân tạo được sử dụng như một giải pháp thay thế, nhưng chi phí cao là rào cản đối với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là tại các khu vực kinh tế kém phát triển. Việc chuyển vạt tự thân như vạt tại chỗ hoặc vạt vi phẫu đòi hỏi kỹ thuật cao và trang thiết bị hiện đại và quá trình này gây sang chấn thứ phát như sẹo xấu cho bệnh nhân và đôi khi kết quả vạt chuyển không đạt yêu cầu do bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh mạch máu .

Trong những năm gần đây, mô liên kết quanh cân (perifascial areolar tissue – PAT) đã được sử dụng như một giải pháp trong điều trị vết thương lộ gân xương. PAT có cấu trúc mỏng dai, chứa nhiều tế bào trung mô cùng một mạng lưới mao mạch phong phú. Các yếu tố này giúp PAT trở thành lớp đệm lý tưởng, tạo điều kiện cho việc phục hồi mạch máu và che phủ gân, xương hiệu quả. Ngoài ra, PAT còn hỗ trợ giúp gân trượt tốt, giúp tăng cường khả năng phục hồi chức năng và giảm nguy cơ co kéo, cứng khớp. Theo nghiên cứu của Miyanaga cùng cộng sự (2018), 18/19 mảnh ghép PAT sống hoàn toàn sau 2 tuần, đem lại kết quả che phủ lộ gân xương thành công và tạo tiền đề cho việc ghép da tiếp theo trong 16 trường hợp. Tương tự, Koizumi báo cáo tỷ lệ sống chung của mảnh ghép PAT lên đến 91%, trong đó 25 ca sống hoàn toàn và 4 ca sống một phần

Việc sử dụng mô liên kết PAT đã và đang mang lại thêm một lựa chọn trong điều trị vết thương lộ gân, lộ xương. Nhờ tính chất linh hoạt, dễ thao tác và khả năng tạo môi trường thuận lợi cho việc phục hồi, PAT trở thành một trong những sự lựa chọn trong các trường hợp khó mà các phương pháp truyền thống đạt ít hiệu quả. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp một nền tảng ổn định giúp cho việc ghép da bổ sung có hiệu quả, giúp tăng tỷ lệ thành công và rút ngắn thời gian điều trị tổng thể. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi và hiệu quả phương pháp này, cần có thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng nhằm tối ưu hóa kỹ thuật và đảm bảo tính an toàn lâu dài.

Với việc sử dụng vạt da trong điều trị khuyết hổng phần mềm có thể đem lại nguy cơ để lại sẹo cũng như tạo thêm sang thương tại vùng cho hoặc sử dụng vật liệu nhân tạo ADM thì kinh phí cao khó tiếp cận đến với mọi bệnh nhân. PAT là một sự lựa chọn trong điều trị các khuyết hổng phần mềm lộ gân và lộ xương vì giúp che phủ khuyết hổng phần mềm. Và để đánh giá kết quả và nâng cao kết quả điều trị các khuyết hổng phần mềm lộ gân, lộ xương nên chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu: “Đánh giá kết quả che phủ khuyết hổng phần mềm lộ gân xương bằng mô liên kết lỏng lẻo quanh cân” nhằm 2 mục tiêu chính:

1. Đánh giá đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của các khuyết hổng phần mềm lộ gân xương được che phủ bởi mô liên kết lỏng quanh cân.

2. Đánh giá kết quả điều trị che phủ khuyết hổng phần mềm lộ gân xương được che phủ bởi mô liên kết lỏng quanh cân.

PDF Download: 0 View: 0