SDH.NT Nghiên cứu tỷ số Bạch cầu đoạn trung tính-Lympho trong bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế
PDF Download: 2 View: 5

Tóm tắt

Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm trùng do virus lây truyền qua muỗi, có tốc độ lây lan nhanh nhất thế giới[1]. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong hai thập kỷ qua, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng đột biến, từ 505.430 ca vào năm 2000 lên 5,2 triệu ca vào năm 2019, tỉ lệ tử vong vào khoảng 2-5%[2]. Bệnh phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc SXHD, 34 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp [3].

Đặc điểm của SXHD là bệnh có biểu hiện triệu chứng đa dạng, thường có diễn biến và kết quả lâm sàng khó có thể dự đoán được. Năm 2009, WHO đã đưa ra hướng dẫn trong điều trị SXHD, chia SXHD làm 3 mức độ, SXHD, SXHD có dấu hiệu cảnh báo (DHCB) và SXHD nặng, trong đó, việc nhận biết sớm các DHCB và tiên lượng nguy cơ tiến triển nặng là vô cùng quan trọng[1]. Các dấu hiệu cảnh báo của SXHD bao gồm đau bụng liên tục hoặc tăng đau vùng gan, nôn nhiều, gan lớn, xuất huyết niêm mạc, vật vã, hematocrit tăng kèm tiểu cầu giảm nhanh...[4]. Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao và dễ diễn tiến đến mức độ nặng. Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu về SXHD ở trẻ em không nhiều đặc biệt với nhóm SXHD có DHCB, trong khi các DHCB có thể khác nhau ở trẻ em và người lớn[5].

Trong quá trình chẩn đoán và theo dõi SXHD, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi được chỉ định thường quy nhằm quan sát sự biến đổi của các dòng tế bào máu để tối ưu hóa việc quản lý và điều trị. Theo WHO, về sinh lý bệnh của sốt xuất huyết: có sự giảm tổng số lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính, đạt mức thấp nhất vào cuối giai đoạn sốt. Sự thay đổi trong tổng số lượng bạch cầu (≤5000 tế bào/mm3) và tỷ lệ bạch cầu trung tính so với tế bào lympho (bạch cầu trung tính < tế bào lympho) rất hữu ích để dự đoán bệnh nhân sắp bước qua pha rò rỉ huyết tương, sự thay đổi này diễn ra xảy ra trước khi giảm tiểu cầu hoặc tăng hematocrit[6]. Chỉ số NLR (Neutrophil-to-Lymphocyte Ratio - tỷ lệ bạch cầu trung tính trên bạch cầu lympho) đã được đề xuất như một chỉ số đơn giản, dễ tính toán, có giá trị trong tiên lượng mức độ viêm và mức độ nặng của nhiều bệnh lý như bệnh tim mạch, nhiễm trùng, bệnh lý viêm và một số loại ung thư[7]. Trong sốt xuất huyết Dengue, theo nghiên cứu của tác giả Sachin Agrawal tại Ấn Độ (2023), nghiên cứu thuần tập hồi cứu trên 540 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue đã chỉ ra NLR là chỉ số có giá trị tiên lượng mức độ nặng với độ đặc hiệu là 91,2% [8]. Một vài nghiên cứu khác cũng cho thấy NLR có sự tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh [9-11]. Tuy nhiên, các nghiên cứu về chỉ số này trong SXHD trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn hạn chế, xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu tỷ số Bạch cầu đoạn trung tính-Lympho trong bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế” với các mục tiêu sau:

  1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tỷ số Bạch cầu đoạn trung tính-Lymphho trong bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế.

       2. Tìm hiểu mối liên quan giữa tỷ số Bạch cầu đoạn trung tính-Lympho với một số đặc điểm của sốt xuất huyết Denngue ở trẻ em

PDF Download: 2 View: 5